Đột quỵ là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương đột ngột khi mạch máu nuôi dưỡng vùng não đó bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Hôm nay, Kenshin sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin về vấn đề phục hồi chức năng não sau đột quỵ cũng như biện pháp phòng ngừa tái phát bệnh lý này.
Bạn đang đọc: Phục hồi chức năng não sau đột quỵ như thế nào? Biện pháp phòng ngừa tái phát đột quỵ
Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Hiện nay, đột quỵ đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá và đặt ra những gánh nặng cho chăm sóc y tế. Do đó, việc phục hồi chức năng não sau đột quỵ đang là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.
Contents
Tìm hiểu chung về đột quỵ
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) được định nghĩa là tình trạng xảy ra các thiếu sót chức năng thần kinh một cách đột ngột với các triệu chứng cục bộ hơn là lan toả và tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ, bao gồm đột quỵ xuất huyết chiếm 15 – 20% và đột quỵ thiếu máu cục bộ chiếm từ 80 – 85%.
Đột quỵ là tình trạng sức khoẻ cần phát hiện khẩn cấp để có thể được cứu chữa kịp thời.
Bệnh đột quỵ xảy ra có liên quan đến một số vấn đề như:
- Tăng huyết áp;
- Đái tháo đường;
- Rối loạn mỡ máu;
- Thừa cân, béo phì;
- Xuất huyết não;
- Bệnh lý tim mạch;
- Lười vận động;
- Sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
Diễn tiến tự nhiên và nguy cơ của bệnh đột quỵ
Diễn tiến tự nhiên của đột quỵ thường gặp ở những bệnh nhân còn sống sót sau cơn tai biến mạch máu não. Chức năng não bộ bắt đầu hồi phục sau vài ngày điều trị và tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 3 tháng tiếp theo, chậm dần trong vòng từ 6 – 12 tháng tiếp theo và trong 1 – 2 năm sau ở một vài trường hợp. Tình trạng phục hồi chức năng não sau đột quỵ sẽ thay đổi khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
Nguy cơ bị tàn phế trong năm đầu tiên sau đột quỵ có thể chiếm từ 20 – 30 % cần sự chăm sóc toàn diện từ gia đình và có đến 20 – 30% trường hợp người bệnh sẽ phụ thuộc vào người thân trong những sinh hoạt hàng ngày như di chuyển, tắm rửa và thay đồ.
Những dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi chức năng não sau đột quỵ kém, cụ thể là:
- Tiểu tiện không kiểm soát;
- Kiểm soát tư thế kém;
- Rối loạn chức năng nhận thức;
- Khả năng di chuyển kém;
- Rối loạn chức năng nhận thức về không gian – thị giác;
- Mất vận động nghiêm trọng và mất cảm giác sâu.
Phục hồi chức năng não sau đột quỵ như thế nào?
Phục hồi chức năng não hay chức năng thần kinh sau đột quỵ là việc rất quan trọng và cần thiết. Sự ảnh hưởng của chi trên do đột quỵ não có ảnh hưởng rất lớn đối với sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của chi trên sau tai biến mạch máu não là không cao.
Theo các khuyến cáo của bác sĩ, tất cả những bệnh nhân nhập viện do đột quỵ cấp nên được bắt đầu với các bài tập vận động sớm (trong 24 – 48 giờ sau khi bệnh đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định của bác sĩ.
Chống chỉ định vận động sớm trong phục hồi chức năng não sau đột quỵ bao gồm:
- Những bệnh nhân thực hiện các thủ thuật can thiệp có sử dụng kim đâm vào động mạch.
- Độ bão hoà oxy thấp.
- Tình trạng nội khoa của người bệnh không ổn định.
- Chấn thương hoặc gãy chi dưới kết hợp.
Chính vì thế, để cải thiện quá trình phục hồi chức năng não sau đột quỵ cần:
- Người bệnh cần bắt đầu tập luyện phục hồi sớm và phù hợp.
- Bệnh nhân cần có nhiều động lực và phải cố gắng.
- Cường độ luyện tập cần tăng dần, lặp lại nhiều lần với tần suất cao.
- Việc luyện tập cần chú trọng vào vấn đề cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân sau đột quỵ cần được tiến hành trong một môi trường đầy đủ và phù hợp với môi trường sống của người bệnh. Điều này cho phép bệnh nhân có thể tập luyện tất cả các chức năng của não bộ theo một cách tự nhiên.
Cường độ tập luyện phục hồi chức năng não sau đột quỵ phải nhẹ nhàng trong giai đoạn cấp và tăng tiến dần trong những giai đoạn sau. Chương trình phục hồi chức năng não cần kết hợp giữa hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu cùng với các chuyên ngành khác như dinh dưỡng và tâm lý trị liệu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sau đột quỵ cần được ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thần kinh, đồng thời cần dùng các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ thứ phát trong nhồi máu não như thuốc ức chế kết tập tiểu cầu hay thuốc hạ áp.
Tìm hiểu thêm: Bụng khó chịu, buồn nôn, mệt mỏi là bệnh gì? Điều trị như thế nào?
Biện pháp phòng ngừa tái phát đột quỵ
Việc phòng ngừa tái phát đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng não sau đột quỵ.
Theo số liệu thống kê của Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Hoa Kỳ (NINDS) cho biết, có khoảng hơn 200.000 ca đột quỵ tái phát hàng năm ở Mỹ xảy ra ở những người từng có tiền sử bị đột quỵ.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy đã có những cải thiện trong việc phòng ngừa một cơn đột quỵ khác có thể xảy ra thông qua việc điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt kết hợp với biện pháp can thiệp bằng thuốc. Một số yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa cơn đột quỵ tái phát, bao gồm:
- Kiểm soát tăng huyết áp (huyết áp cao): Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến bệnh đột quỵ. Những bệnh nhân sống sót sau đột quỵ cần được theo dõi chặt chẽ và đưa huyết áp trở về chỉ số bình thường. Theo đó, người bệnh nên thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và sử dụng các loại thuốc được kê toa nhằm giúp điều chỉnh huyết áp về mức mục tiêu điều trị đã đưa ra.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ dẫn đến đột quỵ và có liên quan đến sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Hơn nữa, thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng huyết áp và khiến cho máu đặc hơn, dễ đông hơn.
- Tập luyện thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì và lười vận động có liên quan đến vấn đề tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tiểu đường. Thừa cân cũng làm tăng đáng kể nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Giảm mức cholesterol (mỡ máu): Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo trong mạch máu, dẫn đến xơ vữa mạch máu và làm giảm lượng máu cũng như oxy lên não.
- Kiểm tra bệnh tim: Các rối loạn về tim thông thường có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, từ đó gây tắc nghẽn mạch máu não. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
- Quản lý bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến những phá huỷ trong hệ thống mạch máu của cơ thể, bao gồm cả não bộ. Tổn thương não thường trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn khi lượng đường huyết tăng cao. Việc điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường có thể trì hoãn sự khởi phát những biến chứng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh tốt nhất
Tóm lại, đột quỵ là một tình trạng cấp cứu khẩn cấp và cần được xử trí kịp thời để tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Đồng thời, việc phục hồi chức năng não sau đột quỵ cũng cần được quan tâm và thực hiện tốt.
Xem thêm: Nhận biết triệu chứng đột quỵ nhẹ và cách phòng ngừa
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể