Hướng dẫn phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng đơn giản nhất

Hiện nay, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng có hình thức giống như thuốc gây nhầm lẫn trong việc sử dụng giữa hai loại sản phẩm này. Điều này đặt ra một thách thức cho người dùng trong việc phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng. Nhận biết rõ 2 loại sản phẩm này không chỉ giúp người dùng sử dụng đúng cách, đem lại hiệu quả điều trị mà còn tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Bạn đang đọc: Hướng dẫn phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng đơn giản nhất

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự khác biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng, từ đó giúp bạn hiểu rõ về tính chất, mục đích sử dụng và cách nhận biết chúng trên thị trường. Qua đó, bạn có cái nhìn tổng quan về những điểm đặc trưng, đưa ra quyết định thông minh khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu để tránh nhầm lẫn và đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc sử dụng các sản phẩm này bạn nhé!

Tìm hiểu về thuốc và thực phẩm chức năng

Tổng quan về thuốc

Thuốc là sản phẩm được bào chế chứa dược chất hoặc dược liệu, sử dụng cho con người với mục đích phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, và điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Thuốc bao gồm nhiều loại như thuốc hóa học, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, vắc xin và sinh phẩm.

huong-dan-phan-biet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-don-gian-nhat 1

Thuốc là sản phẩm được bào chế chứa dược chất hoặc dược liệu nhằm mục đích phòng và chữa bệnh

Tổng quan về thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, cung cấp dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Các thực phẩm chức năng trên thị trường bao gồm:

  • Thực phẩm bổ sung: Bổ sung các vi chất và yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Chế biến dưới nhiều dạng như viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng, với hỗn hợp chứa nhiều chất như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; cũng như hoạt chất sinh học tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật.
  • Thực phẩm dinh dưỡng y học: Được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh, chỉ sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
  • Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: Dành cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), được chế biến hoặc phối trộn theo công thức đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo từng thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý của người dùng, với thành phần phải có khác biệt rõ rệt so với thực phẩm thông thường.

Hướng dẫn phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng

Cả thuốc và thực phẩm chức năng đều phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng cụ thể trước khi được phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng phức tạp và không đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt như thuốc. Đồng thời, chúng không được thay thế cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh.

Một số thực phẩm chức năng được bào chế có dạng giống như thuốc, thường gây ra sự nhầm lẫn, bối rối cho người sử dụng. Do đó, việc phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng rất quan trọng.

huong-dan-phan-biet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-don-gian-nhat 2

Phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng rất quan trọng

Nhận biết thuốc qua số đăng ký và thông tin trên bao bì

Số đăng ký thuốc

Bạn có thể phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng bằng cách đọc một số thông tin trên bao bì hoặc nhãn sản phẩm. Đối với thuốc, trên bao bì phải có in số đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp (thường ở mặt sau của hộp thuốc, trên vỉ nhôm, hoặc ở cuối tờ hướng dẫn sử dụng). Các ký hiệu trong số đăng ký thuốc thường gặp bao gồm:

  • VD-…-yy: Thuốc sản xuất trong nước.
  • VN-…-yy/ VN2-…-yy/ VN3-…-yy: Thuốc sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu về Việt Nam.
  • V…-H12-yy: Thuốc từ dược liệu sản xuất trong nước.
  • VS-…-yy: Thuốc dùng ngoài sản xuất trong nước.
  • GC-…-yy: Thuốc sản xuất gia công.
  • QLĐB-…-yy: Thuốc quản lý đặc biệt.
  • QLSP-…-yy: Dành cho một số sản phẩm thuốc sinh phẩm như thuốc có chứa lợi khuẩn, thuốc sinh học.
  • QLVX-…-yy: Dành cho vắc xin.

Hai chữ số cuối (yy) trong số đăng ký thể hiện năm được cấp số đăng ký. Ví dụ, một thuốc có số đăng ký là VD-…-23 có nghĩa là thuốc được sản xuất trong nước và được cấp giấy phép lưu hành vào năm 2023, số ở giữa (…) là do Cục Quản lý Dược cấp.

Thông tin kê đơn trên bao bì thuốc

Các thuốc kê đơn (chỉ được sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ), thường có ký hiệu Rx hoặc dòng chữ ‘Thuốc kê đơn’, ‘Thuốc bán theo đơn’ trong tờ hướng dẫn sử dụng và trên vỏ hộp thuốc.

Tìm hiểu thêm: Người mắc bệnh tai biến mạch máu não nên ăn trái cây gì?

huong-dan-phan-biet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-don-gian-nhat 3
Thuốc kê đơn thường có ký hiệu Rx trong tờ hướng dẫn sử dụng và trên vỏ hộp thuốc

Nhận biết thực phẩm chức năng qua số đăng ký và thông tin ghi trên bao bì

Số đăng ký

Số đăng ký của thực phẩm chức năng là số công bố tiêu chuẩn (SCBTC), được viết theo mẫu: Số được cấp/số năm cấp/YT-CNTC.

Thông tin ghi trên bao bì

Theo quy định, bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng của thực phẩm chức năng cần ghi rõ nhóm thực phẩm như ‘Thực phẩm bảo vệ sức khỏe’. Ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác (nếu có), cần ghi cụm từ ‘Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh’.

Qua những thông tin ghi trên nhãn, bạn có thể phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng một cách dễ dàng.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng

Khi sử dụng các loại thuốc cần lưu ý những gì?

  • Nắm rõ cách sử dụng thuốc, ví dụ như uống, đặt dưới lưỡi, nhai trước khi nuốt, hít vào, đưa vào trực tràng hoặc bôi ngoài,…
  • Đọc kỹ nhãn thuốc, cần chú ý đến các chi tiết như liều lượng, hạn dùng, chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ do đó có thể gây nguy hiểm nếu người dùng cần phải sử dụng máy móc, thiết bị hoặc lái xe sau khi sử dụng.
  • Không sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc mà không có hướng dẫn của bác sĩ, để tránh tương tác không mong muốn.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên tự ý sử dụng thuốc trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc và loại bỏ những thuốc đã hết hạn hoặc bị hỏng.
  • Bảo quản thuốc tránh ánh sáng trực tiếp, để nơi khô ráo và tránh xa tầm tay trẻ em. Một số loại thuốc nhất định cần được giữ trong tủ lạnh theo hướng dẫn.
  • Hầu hết các loại thuốc uống như viên nén nên được nuốt toàn bộ kèm với nước. Không nên bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc trước khi sử dụng trừ khi có hướng dẫn từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp phản ứng có hại như phát ban, dị ứng,…

huong-dan-phan-biet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-don-gian-nhat 4

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ

Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng cần lưu ý những gì?

  • Không cần sử dụng thực phẩm chức năng khi cơ thể đang khỏe mạnh. Nếu không cần thiết, hạn chế việc sử dụng để tránh tác động không mong muốn đối với cơ thể.
  • Trước khi sử dụng, cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ của thực phẩm chức năng. Hãy xem xét liệu chế độ ăn uống có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hay không.
  • Hãy khởi đầu với liều lượng thấp để cơ thể thích ứng nhằm giảm nguy cơ tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chức năng trong thời gian dài để tránh lạm dụng. Tập trung vào thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
  • Xem xét thành phần và so sánh với các sản phẩm tương tự để đảm bảo lựa chọn đúng đắn.
  • Trước khi mua, đọc kỹ nhãn bao bì, hướng dẫn sử dụng. Đảm bảo rằng không có thành phần độc hại và không gây dị ứng.
  • Nếu có bất kỳ phản ứng nào bất thường sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.

huong-dan-phan-biet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-don-gian-nhat 5

>>>>>Xem thêm: Ung thư dạ dày thường di căn đến đâu? Điều trị thế nào?

Hạn chế sử dụng thực phẩm chức năng trong thời gian dài để tránh lạm dụng

Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn đã có những thông tin hữu ích trong việc phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng. Hiểu rõ về sản phẩm sẽ giúp đem lại hiệu quả cao, an toàn trong quá trình sử dụng. Bạn có thể kết hợp sử dụng cả hai loại sản phẩm để tăng cường hiệu quả điều trị, nâng cao sức khỏe và phòng tránh một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, luôn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh các tác động không mong muốn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *