Nguyên nhân u nang nhầy ở môi và cách điều trị

U nang nhầy niêm mạc miệng thường xảy ra do chấn thương nhẹ, chẳng hạn như cắn môi gây ra tổn thương phồng rộp trong miệng gây đau rát và khiến nhiều người lo lắng. Vậy nguyên nhân gây nên u nang nhầy ở môi là gì và có cần điều trị hay không?

Bạn đang đọc: Nguyên nhân u nang nhầy ở môi và cách điều trị

U nang nhầy ở môi là một u nang chứa đầy chất lỏng không đau xuất hiện ở bề mặt bên trong miệng, còn được gọi là u nhầy miệng. Những mụn nước vô hại này xuất hiện thường xuyên nhất ở phần bên trong môi dưới, chúng cũng có thể có ở má trong, lưỡi, nướu và sàn miệng. Khi bạn bị chấn thương miệng sẽ làm tổn thương hoặc chặn tuyến nước bọt, khiến dòng nước bọt chảy vào miệng từ tuyến đó có thể tích tụ và hình thành u nang.

Nguyên nhân dẫn đến u nang nhầy ở môi

Trong dân số nói chung, u nhầy ở miệng xảy ra ở 2,4 trên 1.000 người, thường gặp ở những người dưới 30 tuổi, độ tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 10 đến 20 tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. U nhầy miệng thường xảy ra do chấn thương tuyến nước bọt hoặc tắc nghẽn ống dẫn tuyến nước bọt. Khi tuyến nước bọt tổn thương, dòng nước bọt sẽ bị gián đoạn, nước bọt có thể tích tụ và tạo thành u nang.

Một trong những nguyên nhân gây chấn thương phổ biến nhất là cắn môi khi nhai. Các nguyên nhân gây u nhầy miệng khác bao gồm:

  • Thói quen cắn môi hoặc mút môi.
  • Viêm lâu dài (mãn tính) do hút thuốc.
  • Ống dẫn nước bọt dày lên hoặc bị hư tổn.
  • Chấn thương do đặt nội khí quản.

Nguyên nhân u nang nhầy ở môi và cách điều trị 1

Tổn thương u nang nhầy ở môi

Các triệu chứng của u nang nhầy ở môi

U nang nhầy niêm mạc miệng sẽ trông giống như một tổn thương mềm, hình vòm trong miệng, chúng thường trong suốt hoặc có màu hơi xanh và có kích thước khác nhau, rộng từ 1mm đến 2cm.

U nhầy miệng thường ảnh hưởng nhất đến bề mặt bên trong của môi dưới, chúng cũng có thể xảy ra ở má trong, lưỡi, nướu và sàn miệng. U nhầy ở miệng thường không gây đau đớn nhưng u nang lớn có thể gây khó chịu nếu chúng cản trở khả năng nói, nhai hoặc nuốt của bạn.

Ngoài ra, còn có một dạng nang nhầy khác có kích thước tương đối lớn và vỏ nang trong suốt giống với bụng con nhái nên được gọi là nang nhái. Nang nhái thường chỉ xuất hiện ở sàn miệng một bên, hình thành do tắc nghẽn tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc các tuyến nước bọt phụ ở sàn miệng.

Chẩn đoán và xét nghiệm

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán u nhầy miệng dựa trên các triệu chứng của bạn và khám thực thể. Mặc dù bác sĩ thường có thể xác định tình trạng bệnh bằng cách nhìn vào vết thương trên miệng bạn nhưng họ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm để xác định chẩn đoán và loại bỏ các bệnh dễ nhầm lẫn khác như u máu trong miệng. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh hoặc video thời gian thực về mô miệng của bạn.
  • Sinh thiết: Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một số mô ra khỏi u nang để kiểm tra.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT được sử dụng trong những trường hợp hiếm hoi khi u nang lớn và chèn ép vào cổ gây khó thở.

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng não

Nguyên nhân u nang nhầy ở môi và cách điều trị 2
Chụp CT trong một số trường hợp u nang nhầy lớn

Điều trị u nang nhầy ở môi

Vậy u nang nhầy ở môi có nguy hiểm không? Bạn có thể không cần điều trị u nhầy bằng thuốc vì hầu hết các tổn thương này sẽ vỡ ra và tự biến mất. Bạn không nên cố gắng tự mình loại bỏ u nhầy ở miệng vì có thể gây nhiễm trùng hoặc tổn thương niêm mạc miệng.

Đối với các u nang tái phát nhiều lần hoặc u nhầy lớn, các bác sĩ có thể đề xuất các lựa chọn điều trị sau:

  • Liệu pháp áp lạnh (cryosurgery): Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp áp lạnh để làm lạnh và loại bỏ u nang nhầy miệng.
  • Điều trị bằng laser: Sử dụng tia laser đặc biệt để loại bỏ tổn thương.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Bác sĩ phẫu thuật hàm mặt hoặc nha sĩ sẽ cắt và loại bỏ u nang, có trường hợp cũng có thể loại bỏ tuyến nước bọt nếu cần thiết.

Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào loại điều trị của bạn, các bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn lỏng hoặc mềm trong vài ngày sau khi bạn điều trị bằng phương pháp áp lạnh hoặc điều trị bằng laser. Nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ, chế độ ăn này có thể kéo dài hơn.

Nguyên nhân u nang nhầy ở môi và cách điều trị 3

>>>>>Xem thêm: Các di chứng tai biến mạch máu não thường gặp là gì?

Liệu pháp áp lạnh

Phòng ngừa u nang nhầy ở môi hiệu quả

Việc vô tình cắn vào môi hoặc má khi đang ăn rất thường gặp và không có cách nào để ngăn chặn điều đó để phòng ngừa. Nhưng bạn có thể ngăn ngừa u nhầy ở miệng bằng cách từ bỏ những thói quen xấu. Đừng cắn môi hay mút má trong và hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang sử dụng.

U nhầy ở miệng thường là những u nang vô hại, không gây đau đớn và không gây ra bất kỳ biến chứng lâu dài nào nên tiên lượng nói chung là tốt. Nhưng những u nang lớn hơn có thể cản trở việc nói, nhai và nuốt. Trong một số ít trường hợp, u nang ở sàn miệng có thể gây khó thở. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ loại bỏ bất kỳ khối u nhầy lớn nào trong miệng.

Tất cả chúng ta đều đã từng nhai nhanh, không chú ý và vô tình cắn vào bên trong miệng thay vì cắn thức ăn khiến đây trở thành những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra u nang nhầy ở môi. May mắn thay, những u nang vô hại này thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi và biến mất. Nếu bạn nhận thấy một khối u ở miệng dường như không biến mất hoặc nếu khối u gây khó khăn cho việc nói, nhai hoặc nuốt, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị u nhầy miệng nếu cần thiết.

Xem thêm:

  • Mề đay phù môi là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
  • Trong nước bọt có chứa loại enzim nào?

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *