Cha mẹ thường thấy trẻ sơ sinh rất bẻ bỏng, dễ tổn thương và cần được nâng niu, vì vậy khi trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân khiến các cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy cần làm gì trong trường hợp này và khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Bạn đang đọc: Trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân: Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều khóc như một hình thức giao tiếp, đó là phương tiện duy nhất giúp chúng bày tỏ nhu cầu. Vì vậy, hầu hết tiếng khóc là để đáp lại cơn đói, sự khó chịu (ví dụ như tã ướt) hoặc sự xa cách và nó sẽ ngừng khi các nhu cầu được đáp ứng (ví dụ như được cho ăn, thay tã, âu yếm). Tiếng khóc này là bình thường và có xu hướng giảm dần về thời gian cũng như tần suất sau 3 tháng tuổi.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân dù cha mẹ đã thử giải quyết các nhu cầu thường ngày và cố gắng an ủi hoặc cơn khóc kéo dài hơn so với cơn khóc thường ngày của trẻ cần được chú ý và tìm kiếm nguyên nhân.
Contents
Tại sao trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân?
Nguyên nhân gây khóc ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất là nguyên nhân sinh lý (95% các trường hợp), hoặc hiếm gặp hơn là do bệnh lý (5% các trường hợp):
Bệnh lý
Nguyên nhân bệnh lý gây khóc mặc dù hiếm gặp, nhưng phải luôn được xem xét. Các nguyên nhân cần xem xét có thể chia thành 4 nhóm lớn là:
- Tim;
- Tiêu hóa;
- Nhiễm trùng;
- Chấn thương.
Trong số này, các nguyên nhân gây đe dọa tính mạng tiềm ẩn bao gồm suy tim, lồng ruột, xoắn ruột, viêm màng não và các chấn thương, đặc biệt là chảy máu nội sọ sau chấn thương đầu.
Sinh lý
Nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi khóc mà bạn không biết tại sao, khóc là triệu chứng duy nhất thì có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Bé đói: Lý do phổ biến nhất khiến trẻ khóc là vì đói và chúng ngừng khóc khi bắt đầu bú.
- Buồn ngủ: Lý do thứ hai khiến trẻ quấy khóc là vì chúng cần ngủ. Chúng cần cha mẹ đặt chúng vào một tư thế thoải mái và không gian yên tĩnh. Sau đó trẻ quấy khóc một chút và ngủ thiếp đi.
- Cho ăn quá nhiều: Một số bé khóc vì chướng bụng do bú quá nhiều sữa, tình trạng này có thể gây khó chịu kéo dài trong thời gian ngắn.
- Caffeine: Caffeine là chất kích thích có thể khiến trẻ khóc nhiều hơn và khó ngủ. Các bà mẹ đang cho con bú cần hạn chế tiêu thụ caffeine.
- Quần áo: Quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến bé khóc và quần áo quá chật cũng khiến trẻ khó chịu.
- Tã bẩn: Phân rất khó chịu cho da bé và nếu không được vệ sinh sạch có thể gây đau và rát cho trẻ.
- Đau bụng: Đau bụng là nguyên nhân chính khiến trẻ khóc tái đi tái lại trong những tháng đầu. Tất cả các bé đều có những cơn quấy khóc bình thường mỗi ngày. Nhưng nếu nó xảy ra hơn 3 giờ mỗi ngày được gọi là đau bụng.
- Đau: Các nguyên nhân gây đau bao gồm đau tai, loét miệng hoặc hăm tã, những đứa trẻ này khóc rất nhiều và không vui khi không khóc.
Làm gì khi trẻ quấy khóc?
Khi trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân, trước hết cha mẹ cần bình tĩnh, đừng quá lo lắng, mất kiểm soát vì sẽ khiến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Sau đó cha mẹ cần quan sát biểu hiện của trẻ, xem liệu tình trạng quấy khóc của trẻ có xuất phát từ những nguyên nhân sinh lý có thể kiểm soát được như đói, cần thay tã, cần được ngủ, cần âu yếm,… hay không.
Nếu đã nỗ lực xử lý để giải quyết các vấn đề trên nhưng trẻ vẫn khóc không ngừng, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt. Lưu ý về các đặc điểm như thời điểm bắt đầu khóc, đặc điểm của cơn khóc, phản ứng của trẻ với những nỗ lực trên của cha mẹ để nói với bác sĩ, chúng sẽ giúp ích nhiều trong việc chẩn đoán nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc.
Tìm hiểu thêm: Đang ho có tiêm vắc xin được không và những khuyến cáo an toàn
Một số kinh nghiệm có thể giúp trẻ bớt quấy khóc nếu trẻ không có bệnh lý bất thường đó là:
- Ôm, nói chuyện với trẻ bằng những lời nói nhẹ nhàng, trìu mến để giúp trẻ bình tĩnh lại.
- Giữ ấm cho bé vừa phải, không quấn khăn hay mặc quần áo quá chặt.
- Tạo cho bé sự thoải mái: Bạn có thể cho con nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng, massage cho trẻ hoặc cho trẻ nghe một bài nhạc yêu thích.
- Thực hiện đúng lịch trình sinh hoạt của trẻ: Nếu bạn đang áp dụng lịch sinh hoạt theo trình tự cho bé, mẹ hãy cố gắng giữ đúng thời gian biểu của việc ăn, tắm, thay tã, ra ngoài chơi hay đi ngủ cho bé mỗi ngày. Việc làm xáo trộn lịch sinh hoạt hằng ngày sẽ khiến trẻ khó chịu.
- Cho bé ngậm ti giả: Nhiều em bé cần ngậm ti giả vì yêu thích chứ không phải do đói. Do đó, các mẹ có thể thử cho bé ngậm ti giả khi bé quấy khóc.
Khi nào đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám trong các trường hợp sau:
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi và có vẻ ngoài hoặc hành động bất thường dưới bất kỳ hình thức nào.
- Sốt ở trẻ dưới 8 tuần tuổi. Lưu ý rằng không cho bé uống thuốc hạ sốt trước khi được khám.
- Thóp phồng lên hoặc sưng tấy ở đầu.
- Bìu sưng.
- Trẻ nôn ói tất cả mọi thứ.
- Khóc khi bạn chạm vào, di chuyển hoặc bế bé.
- Khóc không ngừng kéo dài hơn 2 giờ dù nỗ lực giải quyết các nhu cầu về sinh lý.
- Không uống hoặc uống rất ít trong hơn 8 giờ.
>>>>>Xem thêm: Siêu âm 2D và 4D cái nào chính xác hơn? Siêu âm 2D và 4D khác nhau thế nào?
Trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên nhân là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng và mệt mỏi. Tuy nhiên, đây là triệu chứng thường gặp và là cách để trẻ thể hiện các nhu cầu sinh lý, tâm lý, một số ít trường hợp là bệnh lý. Cha mẹ cần giữ sự bình tĩnh, cố gắng dành những cử chỉ quan tâm, yêu thương đến trẻ, đồng thời quan sát các phản ứng bất thường của trẻ.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể