Đặt stent mạch vành là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực can thiệp tim mạch đối với các biến cố cấp tính liên quan đến bệnh mạch vành hoặc bệnh về tim mạch. Phương pháp này giúp nhanh chóng khôi phục lưu lượng máu nuôi tim, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp như nhồi máu cơ tim. Đặt các loại stent mạch vành cũng đang được ứng dụng rộng rãi trong cấp cứu tim mạch hiện nay.
Bạn đang đọc: Các loại stent mạch vành được sử dụng hiện nay gồm những loại nào?
Có các loại stent mạch vành khác nhau, mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm đáp ứng với nhu cầu, đặc điểm bệnh lý của từng người bệnh. Hiểu rõ thêm về thông tin các loại stent mạch vành cũng khá cần thiết đối với việc cân nhắc để có lựa chọn phù hợp trước khi quyết định thực hiện phương pháp này. Vậy có các loại stent mạch vành nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm trong vài viết sau.
Contents
Stent mạch vành được chỉ định trong những trường hợp nào?
Stent mạch vành là một ống lưới nhỏ được làm bằng kim loại hoặc polyme, được đặt vào các vị trí tắc nghẽn tại các động mạch vành để tái thông mạch máu lưu thông về cơ tim nhằm điều trị bệnh xơ vữa động mạch. Theo đó, các triệu chứng của cơn đau thắt ngực và khó thở được giảm thiểu, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Phẫu thuật tim mạch đặt stent mạch vành là một chỉ định được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố và thường được thực hiện trong một số trường hợp sau:
- Người bệnh bị đau thắt ngực ổn định nhưng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, hoặc những tình trạng thiếu máu cơ tim và tổn thương có biểu hiện rõ ràng có thể được xem xét để thực hiện đặt stent.
- Người bệnh bị đau thắt ngực không ổn định và có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim thì phương pháp đặt stent có thể được xem xét thực hiện để ngăn ngừa kịp thời các biến cố tim mạch ở mức độ nghiêm trọng xảy ra.
- Đối với người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên (ST là chỉ số trên điện tâm đồ), đặt stent là một biện pháp khẩn cấp để kịp thời phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim.
- Nếu sau thực hiện can thiệp đặt stent mạch vành qua da mà có các dấu hiệu tái hẹp trở lại, đặt stent mới có thể cần thiết để tiếp tục duy trì sự thông thoáng cho mạch máu nuôi tim.
Các trường hợp chống chỉ định đặt các loại stent mạch vành thường liên quan đến các yếu tố như tình trạng sức khỏe, tổn thương của bệnh nhân không phù hợp cho can thiệp hoặc bị tắc nghẽn động mạch vành ở nhiều vị trí.
Có những loại stent mạch vành nào?
Các loại stent mạch vành thường dùng hiện nay bao gồm stent kim loại thường, stent phủ thuốc và stent tự tiêu.
Stent kim loại thường
Loại stent này ra đời sớm nhất và thường được làm từ chất liệu là thép không gỉ. Mặc dù có ưu điểm là chi phí rẻ, nhưng cũng đi kèm với nhược điểm là khả năng cao xảy ra tái hẹp lại. Cụ thể, thống kê cho thấy khoảng 30% người bệnh được can thiệp đặt stent kim loại thường có thể bị tắc hẹp mạch vành trở lại sau 6 tháng thực hiện.
Stent kim loại thường được cho là lựa chọn phù hợp với những người có nguy cơ về chảy máu thấp, vì khi đó người bệnh không cần phải sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trong thời gian dài.
Stent phủ thuốc
Stent kim loại thường khả năng cao bị tái hẹp trở lại là do hệ thống miễn dịch coi stent như một vật thể lạ và tấn công nó, gây viêm và phát triển mô xung quanh stent một cách quá mức. Stent phủ thuốc ra đời nhằm khắc phục hạn chế trên. Stent phủ thuốc được thiết kế phủ một lớp thuốc có khả năng làm giảm phản ứng bất thường của cơ thể và làm giảm sự phát triển của mô tại vị trí đặt stent.
Tuy nhiên, điều này cũng làm chậm quá trình lành vết thương của động mạch vành xung quanh stent. Vì thế, người bệnh có thể cần dùng thuốc chống đông (tối thiểu trong vòng 12 tháng), giúp giảm nguy cơ cục máu đông làm tắc nghẽn đột ngột và gây ra cơn đau thắt ngực. Hai loại thuốc được phủ trên stent mạch vành được nghiên cứu nhiều nhất bao gồm:
- Nhóm thuốc “limus” (chẳng hạn như sirolimus, everolimus và zotarolimus), trước đây nhóm thuốc này đã được sử dụng để ngăn ngừa đào thải trong cấy ghép nội tạng.
- Paclitaxel là chất ức chế sự phát triển của tế bào và thường được sử dụng trong hóa trị.
Tìm hiểu thêm: Xịt chống muỗi và những lợi ích để bảo vệ sức khỏe
Stent tự tiêu sinh học
Đây là loại stent mạch vành cung cấp một giá đỡ tạm thời giúp động mạch thông thoáng. Sau khi tắc nghẽn được loại bỏ và lưu lượng máu được phục hồi, stent sẽ hòa tan trong cơ thể và đưa động mạch về trạng thái tự nhiên vốn có.
Khả năng tự tiêu hủy được coi như là ưu điểm của loại stent này, góp phần thúc đẩy quá trình tái tạo thành mạch khỏe mạnh và giảm nguy cơ xuất hiện cục máu đông. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là giá thành khá cao (gấp khoảng 2 – 3 lần so với loại stent bình thường).
Đặt stent mạch vành có gây ra biến chứng hay tác dụng phụ nào không?
Stent được đưa vào động mạch bị tắc nghẽn thường thông qua đường vào từ động mạch đùi. Quá trình can thiệp này sẽ được theo dõi bằng cách tiến hành bơm thuốc cản quang phân bố vào mạch vành, từ đó giúp hiển thị vị trí mạch máu bị tắc nghẽn chính xác trên màn hình để bác sĩ thao tác. Do đó, có thể thấy can thiệp đặt các loại đặt stent mạch vành ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu, nhưng phương pháp này vẫn có những yếu tố rủi ro liên quan.
Tái hẹp mạch vành
Mục đích của sự ra đời lần lượt của các loại stent mạch vành đều chủ yếu là cải thiện nguy cơ tái hẹp theo thời gian sau khi can thiệp. Nguy cơ tái hẹp cao nhất thuộc về loại stent thường và giảm dần ở các loại stent ra đời sau đó.
Nguy cơ hình thành cục máu đông trong stent
Sau thủ thuật, vẫn có thể xảy ra hiện tượng kết tập tiểu cầu, hình thành cục máu đông trong stent và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim. Vì vậy, đây cũng là lý do người bệnh được dự phòng bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu sau can thiệp theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
>>>>>Xem thêm: Đừng nhầm lẫn giữa u cột sống với thoát vị đĩa đệm
Chảy máu
Thông thường, do đường dẫn của dụng cụ can thiệp mạch máu khá nhỏ nên nguy cơ chảy máu nhiều sau phẫu thuật thường ít gặp. Đa số bệnh nhân sau khi can thiệp đặt stent sẽ bị một vết bầm tím ở tay nơi đặt ống thông (vùng đùi hoặc cánh tay). Cũng sẽ có trường hợp xảy ra chảy máu nghiêm trọng nhưng rất ít gặp, lúc này người bệnh có thể phải truyền máu hoặc áp dụng các biện pháp cầm máu thích hợp.
Tác dụng phụ của thuốc cản quang
Việc sử dụng một lượng lớn thuốc cản quang và được bơm truyền vào mạch máu với tốc độ nhanh trong quá trình đặt các loại stent mạch vành có thể gây tổn thương cho thận, đặc biệt là ở những người bị suy thận mức độ nặng. Vì vậy, ở các đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi tác động của thuốc cản quang lên thận, các biện pháp dự phòng để bảo vệ thận có thể được cân nhắc thực hiện.
Những biện pháp bao gồm sử dụng lượng thuốc cản quang tối thiểu nhất có thể nhưng vẫn đáp ứng được chất lượng hình ảnh, đảm bảo cung cấp đủ nước trong suốt quá trình điều trị và sau phẫu thuật để hỗ trợ thải trừ thuốc cản quang ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
Như vậy, can thiệp tim mạch qua đặt stent mạch vành được coi như một biện pháp quan trọng trong quá trình điều trị cấp cứu kịp thời những trường hợp nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, có các loại stent mạch vành khác nhau và mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng, nên việc lựa chọn loại stent phù hợp cũng cần sự xem xét phù hợp từ nhiều yếu tố khác nhau.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể