Mụn nước xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi, ai cũng có thể mắc phải. Tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, hiểu được nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách điều trị phù hợp, giúp cải thiện bệnh tốt nhất.
Bạn đang đọc: Mụn nước là gì? Cách cải thiện triệu chứng hiệu quả
Mụn nước thường xuất hiện ở những vị trí dễ nhận biết nhất, bao gồm trên tay, chân, cánh tay, lưng, ngực, cổ, quanh bọng mắt,… Theo bác sĩ chuyên khoa, mụn nước hình thành có thể do dị ứng hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý. Người bệnh có thể không nhận thấy triệu chứng của mụn nước, nhưng cũng có thể bị ngứa ngáy, phồng rộp khi bị mụn nước.
Contents
Mụn nước là gì?
Mụn nước là những vết phồng rộp, vết sưng nhỏ chứa đầy chất lỏng ẩn bên dưới bề mặt da. Tuy kích thước mụn nước nhỏ nhưng tác động của chúng lại có thể rất đáng kể.
Mụn nước rất đa dạng và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng chúng thường xuất hiện ở tay và chân. Mụn nước thường nhỏ hơn 5mm, có thể chứa đầy mủ, máu hoặc huyết thanh, gây ra loạt triệu chứng như ngứa hoặc đau. Dù xuất hiện riêng lẻ hay tập trung thành từng cụm thì mụn nước đều có xu hướng dễ vỡ ra, dẫn đến rò rỉ chất lỏng và hình thành vảy vàng khi khô. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là mụn nước nếu không được xử lý cẩn thận, các vết phồng rộp vỡ ra có thể gây nhiễm trùng.
Những nguyên nhân gây mụn nước
Mụn nước xuất hiện do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
Do ma sát
Các hoạt động hàng ngày, bao gồm đeo găng tay, mang giày, ủng trong thời gian dài,… có thể dẫn đến các vết phồng rộp do ma sát trên gót chân, ngón chân, ngón tay cái, lòng bàn tay. Mặc dù các vết phồng rộp, mụn nước này sẽ tự hết sau một thời gian nhưng bạn nên tránh mang những vật dùng này để hạn chế làm tổn thương nghiêm trọng hơn.
Do nhiệt độ
Sự thay đổi nhiệt độ (bao gồm cả lạnh và nóng) có tác động rõ rệt lên làn da của chúng ta. Chính sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm da chúng ta bị tổn thương, gây phồng rộp. Do đó, hiểu được nguyên nhân gây mụn nước do nhiệt độ thay đổi sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa, giúp bảo vệ làn da khỏi các vết phồng rộp liên quan đến nhiệt độ.
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc gồm hai dạng là viêm da kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng. Viêm da kích ứng xảy ra khi một người tiếp xúc với cây thường xuân độc, dịch của kiến ba khoang,… sẽ dẫn đến bị mụn nước. Ngoài ra, viêm da dị ứng là phản ứng khi một người tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng hàng ngày như xà phòng, nước hoa, chất tẩy rửa, đồ trang sức,… đều có thể dẫn đến phồng rộp, mụn nước.
Bệnh chàm
Chàm (hay bệnh viêm da dị ứng) thường biểu hiện với những mụn nước nhỏ chứa đầy dịch. Khi người bệnh gãi lên vùng da đang bị chàm sẽ có khả năng gây bội nhiễm, dẫn đến mụn nước có mủ, càng gia tăng thêm sự khó chịu. Bạn nên đi khám khi thấy tình trạng bệnh tiến triển. Bác sĩ sẽ thăm khám và có thể sẽ kê đơn thuốc bôi chứa chất kháng histamin, kem dưỡng ẩm,…
Do côn trùng
Một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn bị mụn nước kèm theo triệu chứng ngứa đó là do côn trùng cắn.
Những vết phồng rộp do loại ký sinh trùng ghẻ gây ra sẽ khiến người bệnh rất ngứa, chủ yếu xuất hiện tại các vị trí như bàn tay, bàn chân, cổ tay và dưới cánh tay, sau đó mới lây lan sang khu vực khác.
Ngoài ra, bọ chét và rệp cắn cũng có khả năng gây ra những vết phồng rộp nhỏ. Đặc biệt, vết cắn của loại nhện nâu sẽ để lại cảm giác vô cùng khó chịu, da phồng rộp, sau đó bùng phát nặng hơn thành vết loét hở. Khi bị côn trùng cắn và vết cắn gây bội viêm nhiễm thì nên đến cơ sở y tế để được điều trị sớm.
Bệnh thủy đậu và bệnh zona
Bệnh thủy đậu và bệnh zona đều do một loại virus gây ra. Người bị thủy đậu sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, đau họng, sốt, những nốt mụn đỏ xuất hiện sau đó trở thành mụn nước, đóng vảy.
Một người đã bị thủy đậu sau đó cũng có thể bị zona, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, phát ban đau đớn có kèm theo những mụn nước.
Do đó, để phòng tránh bệnh, bạn nên chủng ngừa ngăn bệnh zona, đặc biệt là những người trên 60 tuổi. Trường hợp mắc mắc cả hai bệnh, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được điều trị bằng thuốc cũng như được hướng dẫn biện pháp chăm sóc phù hợp.
Herpes simplex
Người bị sốt, có kèm theo mụn nước xuất hiện tại các vị trí như môi, miệng hoặc bộ phận sinh dục thành từng chùm thì khả năng cao là nhiễm virus herpes simplex. Những mụn nước chứa chất lỏng sẽ mang và lây lan virus qua đường tình dục, khi hôn hoặc dùng chung đồ dùng.
Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh do virus herpes simplex không chữa khỏi hoàn toàn được do virus vẫn còn ở trong cơ thể. Người bệnh chỉ có thể sử dụng một số loại thuốc giúp ngăn chặn hoặc cải thiện nhanh chóng triệu chứng ở các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng.
Tìm hiểu thêm: Chụp X-quang tắc ruột: Quy trình chụp X-quang tắc ruột như thế nào?
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường sẽ là sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, tiếp đến là những mụn nước xuất hiện vùng tay, chân, bên trong miệng.
Cách làm giảm triệu chứng mụn nước hiệu quả
Các vết phồng rộp, mụn nước tuy không gây hại đến tính mạng nhưng nó sẽ khiến người bệnh khó chịu, có thể đau đớn trong thời gian dài, tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh. Cho dù là nguyên nhân nào thì khi bị mụn nước, bạn cũng cần áp dụng một số cách cải thiện mụn nước sau đây:
Khám bác sĩ
Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị mụn nước do các yếu tố phức tạp gây ra, như viêm da tiếp xúc, bệnh chàm, côn trùng nguy hiểm cắn hoặc bệnh ghẻ. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc cụ thể, phù hợp với tình trạng để giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
Giữ cho mụn sạch và khô
Việc giữ cho mụn nước sạch và khô sẽ giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương một cách tự nhiên. Bạn có thể sử dụng miếng đệm hoặc băng dính tròn để bảo vệ vết phồng rộp không bị vỡ ra, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Dưỡng ẩm
Các loại kem dưỡng ẩm tự nhiên như lô hội và dầu dừa có tác dụng tăng cường độ ẩm cho da ở những vùng dễ bị phồng rộp. Các phương thuốc thảo dược này không chỉ làm dịu sự khó chịu của mụn nước mà còn làm giảm nguy cơ mụn nước bị vỡ gây đau đớn.
Cố gắng không chạm vào vùng da tổn thương
Bạn hãy cố gắng chống lại sự “cám dỗ” chạm vào những mụn nước để tránh chúng bị vỡ. Trường hợp mụn nước, vết phồng rộp gây cản trở sinh hoạt hàng ngày, bạn hãy đến khám bác sĩ để được hướng dẫn thực hiện các bước thích hợp, đảm bảo vừa bảo vệ vết thương vừa giúp chữa lành nhanh chóng.
Ngâm nước muối
Việc rửa vùng da bị phồng rộp, mụn nước bằng nước muối ấm sẽ giúp làm giảm sưng tấy và loại bỏ các yếu tố có hại như vi khuẩn và nấm.
Các biện pháp bảo vệ khác
Khi da bị tổn thương, bạn hãy bảo vệ bằng cách trang bị cho mình găng tay và ủng nếu cần thiết phải tiếp xúc với các chất kích thích có thể gây phồng rộp.
>>>>>Xem thêm: Uống nước rễ tranh có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng rễ cỏ tranh
Dinh dưỡng
Xây dựng chế độ ăn phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa và chữa lành mụn nước. Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, giảm thực phẩm giàu chất béo có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên chống lại các tác nhân có thể gây ra mụn nước.
Tóm lại, mụn nước là tình trạng da rất phổ biến, nguyên nhân gây ra lại rất đa dạng. Thông qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thể trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến mụn nước để từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể