Các điều kiện tạo nên môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn tăng sinh, tăng độc tính như vệ sinh kém, cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, ngứa gãi làm xây xước da nhất là mùa hè nóng nực, da luôn bị ẩm ướt mồ hôi…, gây nên các bệnh ngoài da gọi chung là viêm da mủ.
Bạn đang đọc: Viêm da mủ: Nguyên nhân gây bệnh và lưu ý khi điều trị
Trên da thường có nhiều vi khuẩn, phần lớn là liên cầu và tụ cầu, tập trung nhiều nhất là ở các nếp gấp, các lỗ chân lông, ở những vùng có nhiều lông, vùng thường tập trung mồ hôi, chất bã nhờn, bụi bẩn. Những nơi này là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào da gây bệnh viêm da có mủ.
Contents
Viêm da mủ là gì?
Da là phần chiếm diện tích lớn nhất trong cơ thể, giữ vài trò chính là bảo vệ cơ thể khỏi môi trường bên ngoài. Có nhiều nguyên nhân khiến da có thể bị nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Với các bệnh về da ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể điều trị được bằng thuốc không kê đơn và áp dụng các biện pháp vệ sinh tại chỗ tại nhà. Nhưng khi bị nhiễm trùng da nặng hơn, người bệnh cần được chăm sóc y tế.
Da người còn là nơi thuận lợi để nhiều loài vi khuẩn sinh sống, thậm chí có cả nấm và kí sinh trùng. Các loại vi khuẩn thường gặp nhất gồm liên cầu (streptococcus) và tụ cầu (staphylococcus). Các vi khuẩn này không gây bệnh trên da khi ở điều kiện bình thường, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (vệ sinh da kém, cơ thể suy yếu, môi trường nóng nực, gãi do ngứa ngáy, chấn thương ở da, bệnh đái tháo đường,…) thì các vi khuẩn này sẽ tăng sinh, tăng độc tính và gây ra tình trạng nhiễm trùng da, điển hình nhất là viêm da mủ.
Nguyên nhân gây viêm da mủ
Có hai nhóm bệnh viêm da mủ gồm do tụ cầu khuẩn và do liên cầu khuẩn gây nên.
Viêm da mủ do tụ cầu khuẩn
Tụ cầu khuẩn thường gây tổn thương ở nang lông với những thể bệnh chính sau:
Viêm nang lông nông
Đây là tình trạng viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu tại lỗ chân lông có tình trạng hơi sưng đỏ, gây đau, sau đó hình thành mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm hẹp. Vài ngày sau, mụn mủ khô, tạo vảy tiết màu nâu sẫm, vảy bong đi, không để lại sẹo.
Điều trị:
Dùng một trong các loại thuốc bôi sau: Cồn I-ốt 1 – 3% hoặc dung dịch xanh Methylen 1%, kem silver, thuốc mỡ Chloroxid 1%, mỡ Bactroban, mỡ Fucidin.
Viêm nang lông sâu
Là một dạng viêm da mủ với triệu chứng sưng tấy nhiều cụm quanh nang lông. Có mụn mủ quanh lỗ chân lông, có thể rải rác hoặc tập trung thành đám đỏ, gồ ghề, cứng cộm, nặn ra mủ. Viêm nang lông sâu ở vùng da đầu, vùng cằm, gáy, tiến triển dai dẳng hay tái phát.
Điều trị:
- Dùng dung dịch sát khuẩn, thuốc màu gồm cồn I-ốt 1 – 3% hoặc thuốc xanh Methylen 1%, thuốc mỡ kháng sinh Penixilin, Chloroxid 1%, Oxyd vàng thủy ngân 10%, mỡ Bactroban, mỡ Fucidin.
- Trường hợp nặng, uống từng đợt kháng sinh chung.
- Kết hợp thuốc giải cảm, thuốc an thần, nếu cần có thể tiêm vắc xin tụ cầu.
- Tránh chà xát mạnh làm vỡ mụn mủ, mủ lan ra vùng da lân cận.
Nhọt
Nhọt cũng là một dạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, mọc số lượng nhiều có thể kèm theo sưng đau hạch bạch huyết, sốt. Có các loại nhọt sau:
- Nhọt ở lỗ tai thường được dân gian gọi là đằng đằng, gây đau dữ dội;
- Nhọt ở quanh miệng còn gọi là mụn đinh râu rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm khuẩn huyết, tắc tĩnh mạch và dễ gây tử vong;
- Hậu bối (Carbuncle) là một cụm mụn đinh nhọt xuất hiện ở gáy, lưng, mông do tụ cầu vàng gây ra, có độc tính rất cao. Bệnh hay gặp ở người già yếu, bị đái tháo đường, ăn uống kém, nghiện rượu. Khi vỡ mủ, xuất hiện nhiều ngòi lỗ chỗ như tổ ong, có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết và dẫn đến tử vong;
- Nhọt bày là tình trạng nhiều mụn đinh nhọt mọc liên tiếp hết đợt này đến đợt khác, kéo dài dai dẳng hàng tháng. Bệnh thường gặp ở người bị suy nhược cơ thể, suy giảm sức đề kháng.
Điều trị:
- Đối với mụn đinh nhọt: Không nên chích nặn sớm. Khi mụn mới nổi làm sưng đỏ, cứng, thoa cồn Iốt 3 – 5% hoặc bôi thuốc mỡ sát trùng Ichthyol nguyên chất. Khi nhọt bị vỡ mủ, nặn hết ngòi ra, thoa thuốc màu hoặc bôi thuốc mỡ kháng sinh toàn thân, uống hoặc tiêm bắp một đợt kháng sinh như Ceftriaxon 1g/ngày, mỗi đợt 5 – 7 ngày.
- Đối với mụn đinh râu: Tuyệt đối tránh chích nặn, hãy bôi cồn I-ốt 3%. Kịp thời tiêm hay uống thuốc kháng sinh liều cao phối hợp dùng vitamin C, thuốc giảm đau, chạy sóng ngắn.
- Đối với mụn hậu bối : Điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh liều cao phối hợp kháng sinh, vitamin, thuốc nâng cao thể trạng. Khi vùng da bị tổn thương đã mềm, thay băng hàng ngày, rửa bằng dung dịch sát khuẩn, không chích nặn để tháo mủ vì dễ gây tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng.
- Đối với mụn nhọt bầy: Dùng từng đợt thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc giải cảm. Cải thiện điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi nhiều, tránh rượu, cà phê, thuốc lá, ăn ít ngọt, chống táo bón, điều hòa chức năng gan thận, điều trị đái đường nếu có.
Tìm hiểu thêm: Lợi ích sức khỏe của nấm thượng hoàng
Nhọt ổ gà
Là một dạng viêm nang, kèm theo viêm tuyến bã, viêm tuyến mồ hôi ở vùng nách, tạo thành một túi mủ sâu ở bì và hạ bì. Nách nổi cục, ban đầu cứng sau mềm dần, vỡ mủ. Trong một hố nách có thể xuất hiện một hoặc nhiều nhọt ổ gà. Bệnh thường kéo dài dai dẳng, hay tái phát, nhất là mùa nóng.
Điều trị:
Bôi thuốc màu, thuốc mỡ kháng sinh, tiêm hay uống kháng sinh. Nếu cần thì phẫu thuật như chích nặn các ổ viêm xơ hóa.
Viêm da mủ do liên cầu khuẩn
Chốc lây
Bệnh do tụ cầu khuẩn phối hợp liên cầu khuẩn gây bệnh, thường gặp ở trẻ em. Chốc lây thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ, chân tay, dễ lây nên cũng dễ thành dịch. Chốc ở đầu tạo thành từng đám vảy vàng sâu dính bết tóc, phía dưới da trợt đỏ, rớm dịch.
Vùng lân cận nổi hạch sưng đau. Bệnh có thể gây biến chứng thành viêm cầu thận cấp với triệu chứng phù, tiểu ít, có protein niệu.
Điều trị:
- Chốc có nhiều vảy: Rửa bằng các dung dịch sát khuẩn như dung dịch Rivanol 0,1% hay dung dịch Berberin 0,1% hay nước muối sinh lý 0,9%, sau đó bôi thuốc màu như dung dịch xanh Methylen 1%, dung dịch Milian.
- Chốc có mủ chưa vỡ: Chọc mủ bằng kim đã sát trùng, để mủ thấm vào bông, không để mủ chảy lan ra vùng da xung quanh. Sau đó thoa các loại thuốc màu như dung dịch xanh methylen 1%, dung dịch Eosine 2% hoặc thuốc mỡ kháng sinh như kem silver, kem Fucidin, mỡ Chlorocid 1%, mỡ Bactroban. Nếu bị sốt, nổi hạch nhiều, uống thêm kháng sinh.
Chốc loét
Chốc loét là một dạng chốc với tổn thương lan sâu đến trung bì, hay xuất hiện ở cẳng chân, cổ chân, nhất là ở chân có giãn tĩnh mạch. Đối tượng thường gặp chốc loét là người suy dinh dưỡng, bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu.
Bệnh có triệu chứng ban đầu như chốc lây khi nổi phỏng nước hoặc phỏng mủ. Da tím tái xung quanh vết loét, kéo dài dai dẳng, lâu liền sẹo.
Điều trị:
- Dùng dung dịch thuốc tím pha thật loãng 1/4000 hoặc dung dịch Rivanol 0,1% để rửa vết loét. Thoa dung dịch Nitrat bạc 0,25 – 0,50%. Sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh, cho uống hay tiêm từng đợt kháng sinh.
- Để kích thích lên da non, có thể chiếu tia cực tím tại chỗ.
- Nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, B1, C,…
Chốc mép
Chốc mép do liên cầu khuẩn gây ra với tổn thương đơn độc hoặc kèm theo các tổn thương khác. Hai kẽ mép miệng bị nứt trợt, ra dịch, đóng vảy vàng dễ chảy máu, gây đau rát, kèm theo sưng đau hạch dưới hàm khiến người bệnh khó ăn, khó uống. Bệnh có thể lây do uống chung chén, dùng chung khăn mặt.
Điều trị:
Thoa dung dịch Yarish, Nitrat bạc 0,25%, thuốc màu, thuốc mỡ kháng sinh Neomyxin, thuốc mỡ Biomyxin 3%, thuốc mỡ Chlorocid 1% thuốc mỡ Fucidin, thuốc mỡ Bactroban.
Hăm kẽ
Hăm kẽ thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em hoặc người lớn béo mập, ra mồ hôi nhiều. Hăm thường xuất hiện kẽ bẹn, kẽ mông, ở nếp cổ, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương được biểu hiện là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, có viền róc da mỏng, đau rát.
>>>>>Xem thêm: Vi khuẩn P Acnes là gì? Cách tiêu diệt vi khuẩn P Acnes
Điều trị:
Dùng nước thuốc tím 1/4000 để rửa vết thương, thoa dung dịch Yarish, nitrat bạc 0,25%. Sau đó bôi thuốc màu, hồ nước. Khi vết tổn thương khô, bôi kem kháng sinh như Silver, Bactroban, Fucidin, không nên bôi thuốc mỡ sẽ gây lép nhép, bí hơi. Để có tác dụng tốt, rắc bột Talc Boric 3%.
Phòng ngừa viêm da mủ hiệu quả tại nhà
Khi bị bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị thích hợp tùy từng loại viêm da mủ. Khi có những triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện khám để tránh những biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận,…
Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc kháng sinh, dán cao, đắp lá, thuốc bôi. Tuyệt đối không gãi, cào rách vùng da bị viêm, không nặn vết mụn đang bị sưng tấy, chưa hóa mủ để tránh lây lan sang vùng da xung quanh.
Bạn có thể áp dụng một số cách để phòng bệnh viêm da mủ tại nhà:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên.
- Không ăn nhiều đồ ăn nóng, đồ ngọt.
- Bổ sung thêm vitamin A, vitamin C…
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung protein vào chế độ ăn.
Tóm lại, viêm da mủ là tình trạng bệnh phức tạp do có quá nhiều nguyên nhân có thể gây ra. Tốt nhất, người bệnh nên đến bệnh viện, chuyên khoa da liễu để được thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Thắc mắc: Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa mẹ kiêng ăn gì?
- Những loại thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt tốt nhất được bác sĩ khuyên dùng
- Viêm da đầu có mủ do đâu? Hướng dẫn cách trị an toàn từ gốc
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể