Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý phổ biến và có số lượng người mắc phải không ngừng tăng lên mỗi năm. Việc người bệnh tuân thủ về liều dùng và cách dùng thuốc đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả điều trị, tránh những tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.
Bạn đang đọc: Uống thuốc tiểu đường vào lúc nào là tốt nhất?
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc tiểu đường với liều lượng, cách dùng khác nhau. Uống thuốc tiểu đường vào lúc nào vẫn luôn là câu hỏi mà bệnh nhân tiểu đường thường thắc mắc. Bài viết sau đây sẽ làm rõ hơn cho bạn đọc về thời điểm uống thuốc tiểu đường phù hợp và những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị.
Contents
Bệnh tiểu đường là gì? Khi nào cần phải điều trị bằng thuốc?
Bệnh tiểu đường là gì?
Glucose là nguồn năng lượng chính của các tế bào, nó được chuyển hóa phần lớn từ các thực phẩm chứa tinh bột, đường của trái cây mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Loại đường này sẽ được hấp thu vào máu và vận chuyển đến các tế bào nhờ sự điều hòa của hormone insulin, từ đó cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.
Ở bệnh nhân bị tiểu đường, cơ thể sẽ có những biểu hiện bất thường trong quá trình chuyển hóa glucose, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc insulin không hoạt động hiệu quả (tiểu đường tuýp 2). Lượng đường trong máu tăng lên do không thể đi vào tế bào, khi vượt quá ngưỡng an toàn sẽ có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sống và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Khi nào người bệnh tiểu đường cần uống thuốc điều trị?
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, thể trạng cũng như tình trạng của người bệnh bị tiểu đường mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau:
- Đối với người bị bệnh tiểu đường tuýp 1: Điều trị bằng insulin là chỉ định thường dùng ngay khi mới phát hiện ra bệnh. Một số trường hợp cũng có thể dùng phối hợp thêm các loại thuốc hỗ trợ khác để tăng cường kiểm soát đường huyết.
- Đối với người bị tiểu đường tuýp 2: Người bệnh có thể chưa cần sử dụng thuốc điều trị ở giai đoạn đầu mà thay vào đó sẽ bắt đầu từ biện pháp thay đổi lối sống. Nếu mức đường huyết vẫn không có dấu hiệu cải thiện, bác sĩ sẽ cân nhắc bắt đầu cho người bệnh dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp lượng đường huyết cao hoặc hiện diện những yếu tố làm bệnh tiến triển nặng hơn thì sẽ được chỉ định dùng thuốc tiểu đường sớm hơn.
- Đối với phụ nữ bị tiểu đường trong thời gian mang thai (hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ), hầu hết sẽ được chỉ định dùng insulin để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Uống thuốc tiểu đường vào lúc nào là tốt nhất?
Vì sao có thuốc uống trước ăn, có thuốc lại uống sau ăn?
Sử dụng thuốc đúng liều lượng và đúng cách là một trong các yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các đặc điểm như dạng bào chế, thời gian cũng như cơ chế tác dụng của mỗi loại thuốc mà sẽ tương ứng với cách dùng khác nhau. Một số thuốc có hiệu quả điều trị không ảnh hưởng bởi thời điểm uống thuốc nên có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, một số thuốc nếu uống vào các thời điểm khác nhau thì hiệu quả sẽ khác nhau, xuất hiện những tác dụng không mong muốn của thuốc (ví dụ như uống xa bữa ăn vì thuốc có thể gây buồn nôn còn uống cùng với bữa ăn thì giảm kích ứng dạ dày).
Vậy thuốc tiểu đường nên uống lúc nào? Các thuốc trị tiểu đường thường được khuyên dùng trước, trong hoặc sau khi ăn để kiểm soát glucose máu không tăng quá cao sau bữa ăn, một phần cũng để tránh tác dụng hạ đường huyết quá mức của thuốc ở một số bệnh nhân. Các loại thuốc trị tiểu đường có thể có thời điểm dùng thuốc khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ để nắm rõ cách sử dụng thuốc phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Long Châu Tuyển Dụng Dược Sĩ Bán Thuốc Tại TP. HCM – Thu Nhập Từ 10 Triệu
Những loại thuốc trị tiểu đường thường dùng hiện nay được uống vào lúc nào?
Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường và không phải tất cả các phương pháp điều trị đều phù hợp với mọi người bệnh. Metformin thường được chỉ định sử dụng ban đầu, đây là nhóm thuốc đã được sử dụng trên lâm sàng khá lâu trước đó cho đến hiện nay nên khá đảm bảo về hiệu quả và độ an toàn. Bên cạnh đó, bạn có thể cần dùng thêm một số loại thuốc khác nếu mức đường huyết chưa ở mức ổn định hoặc khi có các vấn đề về tim, cần hỗ trợ giảm cân. Dưới đây là một số cách dùng của các nhóm thuốc tiểu đường hiện nay:
- Nhóm Sulfonylureas: Đây là nhóm điều trị tiểu đường khá lâu đời, có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin bao gồm các hoạt chất như glibenclamide, gliclazide, glimepiride. Sản phẩm của nhóm thuốc này cũng khác nhau, có thể ở dạng đơn chất hoặc có phối hợp với metformin. Thời điểm dùng loại thuốc này thường là uống trước khi ăn 15 – 30 phút, nhưng có dạng bào chế viên nén giải phóng biến đổi (ví dụ như Diamicron MR) chỉ uống ngay sau khi ăn sáng.
- Metformin: Uống cùng với bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn. Ngoài ra, số lần dùng trong ngày cũng thay đổi từ 1 – 3 lần/ngày tùy thuộc vào dạng bào chế. Viên nén giải phóng chậm thường chỉ uống một liều là đủ và dùng sau bữa ăn bất kỳ trong ngày, ưu tiên dùng sau bữa tối.
- Nhóm Thiazolidinediones: Nhóm thuốc này giúp thúc đẩy việc sử dụng insulin một các hiệu quả hơn và bảo vệ các tế bào tuyến tụy, thường dùng trước hoặc sau khi ăn.
- Nhóm Acarbose: Đây là nhóm thuốc này làm chậm quá trình hấp thu thức ăn giàu tinh bột nhờ sự ức chế enzym phân hủy đường là alpha-glucosidase. Nhóm thuốc này nên uống vào đầu mỗi bữa ăn.
- Nhóm ức chế DPP-4 (một số sản phẩm như Januvia, Janumet và Galvus): Nhóm thuốc ức chế hoạt động của DPP-4. Đây chính là loại enzym phá hủy hormone incretin – hormone điều hòa sự bài tiết insulin khi thức ăn nạp vào cơ thể. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
- Nhóm SGLT-2 (những sản phẩm hiện có trên thị trường như Dapagliflozin, Forxiga, Empagliflozin, Jardiance): Nhóm thuốc giúp giảm lượng đường trong máu bằng tác dụng tăng bài tiết ra ngoài nước tiểu. Thuốc có thể được uống vào buổi sáng trước khi ăn.
>>>>>Xem thêm: Thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp hiệu quả
Một số lưu ý khác khi dùng thuốc tiểu đường
Điều quan trọng trong quá trình điều trị tiểu đường là dùng thuốc thường xuyên và không bỏ lỡ bất kỳ liều nào để đảm bảo đường huyết ổn định, hạn chế được các biến chứng của bệnh.
Những trường hợp khi quên thuốc, người bệnh không tự ý uống bù lại vào liều tiếp theo vì có thể gây hạ đường huyết do quá liều. Vì thế, bạn nên dùng thuốc cố định vào thời điểm nào đó trong ngày, giúp cho việc tuân thủ điều trị được hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc ăn uống thất thường hoặc dùng thuốc quá xa bữa ăn cũng có thể khiến mức đường huyết hạ xuống thấp. Hãy cẩn thận mang theo bên mình một loại đồ ăn hoặc thức uống nào đó nhỏ gọn tiện lợi, dự phòng cho trường hợp hạ đường huyết bất ngờ.
Bên cạnh hạ đường huyết, các thuốc uống trị tiểu đường có thể gây ra những tác dụng phụ khác với triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy và hiếm gặp hơn là những biểu hiện của dị ứng thuốc. Khi xuất hiện những tác dụng bất thường này, hãy liên hệ đến bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.
Hy vọng bạn đã có thể nắm rõ thời điểm uống thuốc tiểu đường vào lúc nào là tốt nhất. Mỗi loại thuốc sẽ thích hợp với một thời điểm uống thuốc khác nhau để đạt tác dụng điều trị tốt nhất. Vì thế, người bệnh cần chú ý đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi uống cũng như tham khảo ý kiến từ bác sĩ để dùng thuốc đúng cách.
Xem thêm:
- Uống thuốc tiểu đường có ảnh hưởng đến thận không?
- Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể