U vàng da là bệnh lý có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Bệnh cần được theo dõi và phát hiện sớm, nhằm đưa ra lộ trình điều trị kịp thời, có hiệu quả cao nhất và hạn chế các biến chứng xảy ra.
Bạn đang đọc: U vàng da: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U vàng da là tình trạng xuất hiện các sang thương màu vàng trên da, do lắng đọng lớp lipid không chuyển hóa được. Cùng Kenshin tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh u vàng qua bài viết dưới đây!
Contents
U vàng da là bệnh gì?
U vàng trên da là tình trạng lắng đọng các chất lipid (mỡ) trên da, các lớp lipid này kết thành dạng mảng, cục u nhỏ trên da hoặc mảnh sần sùi. Bệnh u vàng da có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân của bệnh này có thể là vô căn, do rối loạn lipid máu có tính di truyền (nguyên phát) hoặc tăng lipid máu do bệnh huyết học, bệnh rối loạn chuyển hóa, thuốc (thứ phát).
Các thể lâm sàng của bệnh u vàng da bao gồm:
- U vàng thể phát ban;
- U vàng thể phẳng (bao gồm cả u vàng ở mi mắt);
- U vàng thể củ;
- U vàng ở gân;
- U vàng thể sùi.
Độ tuổi trưởng thành mắc bệnh u vàng da với tỷ lệ cao hơn, nam nữ có xác suất mắc bệnh tương đương nhau. Bệnh u vàng da có liên quan đến tình trạng tăng cholesterol máu có tính gia đình thường sẽ khởi phát trước khi trẻ đạt 10 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh u vàng da
Mỡ không tan được trong máu nên được vận chuyển thông qua lipoprotein. Các loại lipoprotein phổ biến bao gồm Chylomicron, lipoprotein trọng lượng phân tử rất thấp (hay VLDL), trọng lượng thấp (hay LDL) và còn có lipoprotein trọng lượng phân tử cao (hay HDL). Việc dư thừa Chylomicron, VLDL hay LDL trong máu gây ra các rối loạn mỡ máu, trong đó có bệnh u vàng da.
Cụ thể hơn nữa, sự thay đổi nồng độ các dạng lipid trong máu có thể do khiếm khuyết về mặt di truyền hoặc do nguyên nhân thứ phát, là hệ quả của một bệnh khác như bệnh tiểu đường, suy giáp, hội chứng thận hư, nghiện rượu nặng,… Một số thuốc cũng được ghi nhận là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mỡ máu bao gồm tamoxifen, estrogen, retinoids đường uống, cyclosporine, olanzapine, prednison, nilotinib hoặc các thuốc ức chế protease,…
U vàng thể củ, thể gân và thể phát ban thường liên quan đến tình trạng rối loạn lipid máu di truyền. Khi nồng độ lipid tăng cao trong máu, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng vận chuyển lipoprotein qua các mao mạch lớp trung bì, các đại thực bào ăn lipid sẽ thành các tế bào chứa lipid.
U vàng thể sùi và thể phẳng thường không do nguyên nhân rối loạn lipid máu. Các nguyên cứu chỉ ra rằng, hai thể u vàng da này có thể liên quan đến quá trình chuyển hóa tại chỗ bị rối loạn. Tình trạng này khởi phát do các phản ứng viêm và thành mạch bị tăng tính thấm.
Triệu chứng u vàng trên da
Tổn thương thường thấy ở bệnh u vàng da là các nốt ban đỏ, đốm vàng, mảng hoặc khối u màu vàng do sự lắng đọng của lớp mỡ bên dưới da. Ngoài ra, mỗi thể u vàng da sẽ có những đặc điểm riêng biệt, cụ thể là:
U vàng thể củ
Biểu hiện của u vàng thể củ là các sẩn hoặc những nốt sần màu vàng, nốt ban đỏ phân bố rộng ở các khớp hoặc mặt duỗi của tay chân, đặc biệt là ở vùng đầu gối và khuỷu tay. Các nốt sần có thể đơn lẻ hoặc tập trung thành đám có kích thước lên đến 3cm.
U vàng thể phát ban
Triệu chứng đặc trưng của thể phát ban là tổn thương từ dát đỏ đến sẩn vàng, kích thước trong khoảng 1 – 5mm và khởi phát đột ngột. Các nốt dát đỏ và sẩn vàng này thường gặp ở mặt duỗi của tay chân và vùng mông.
U vàng da thể phẳng
Đặc điểm của dạng u vàng trên da này là các lớp dát, mảng màu vàng, sờ thấy mềm, thường phân bố nhiều ở vùng quanh mí mắt, cổ, nách, vai và trên thân cơ thể.
Hội chứng u vàng thể phẳng khuếch tán có chỉ số lipid máu nằm trong mức bình thường, là dạng hiếm gặp của bệnh u vàng da thể phẳng. Thể phẳng khuếch tán được đặc trưng bởi tình trạng bùng phát đối xứng các khối u vàng ở vùng mặt, cổ và thân trên. Tuy nhiên xét nghiệm không cho thấy sự đi kèm với tình trạng tăng lipid máu.
Tìm hiểu thêm: Ù tai liên quan đến thận: Những điều bạn nên biết
U vàng thể gân
Dạng u vàng da này có đặc điểm là các nốt sần mịn, di động, chắc, màu da và thường xuất hiện ở vị trí gân hoặc dây chằng, gặp nhiều nhất ở gân Achilles. U vàng này gắn dính vào gân, di chuyển khi gân vận động.
U vàng thể sùi
Biểu hiện của thể u vàng da thể sùi là các sẩn đứng đơn độc, phẳng hoặc sần sùi, phát triển trong khoang miệng hoặc trên vùng da tại cơ quan sinh dục ngoài.
Phương pháp điều trị u vàng da
Điều trị bệnh u vàng da được tập trung chủ yếu vào các mục tiêu chính:
- Loại bỏ tổn thương da và cải thiện tình trạng da tại chỗ, duy trì tính thẩm mỹ.
- Điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể để giảm nguy cơ tái phát.
- Hạn chế các của tình trạng máu nhiễm mỡ (giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn chặn viêm tụy cấp).
Với những mục tiêu vừa nêu trên, sẽ có các hướng điều trị như sau:
Với u vàng da có kèm tình trạng rối loạn lipid máu
Phương pháp điều trị bệnh u vàng da là sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu, nhằm loại bỏ các khối u vàng ở các thể gân, thể củ và thể phẳng, bằng việc ổn định nồng độ lipid trong máu. U vàng thể phát ban thường sẽ biến mất sau khoảng vài tuần điều trị bằng thuốc. Một số loại u vàng như thể củ và thể gân sẽ chậm biến mất hơn.
Người mắc bệnh u vàng da do tăng nồng độ mỡ máu cần phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, thường xuyên tái khám để đánh giá lại tình trạng bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày bằng cách:
- Xây dựng thực đơn có nhiều rau xanh, cá và ngũ cốc nguyên hạt.
- Giảm lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn. Một số thức ăn là nguồn chất béo bão hòa không tốt bao gồm mỡ động vật, dầu dừa, chế phẩm từ sữa, thức ăn nhanh,…
- Giảm tiêu thụ đường từ các món ăn như kẹo ngọt, bánh quy, thức uống có ga, bánh nướng.
- Bệnh nhân thừa cân, béo phì cần giảm lượng calo nhập vào cơ thể, tích cực tập luyện thể dục nhằm duy trì cân nặng lý tưởng.
>>>>>Xem thêm: Ung thư tuyến tụy nên ăn gì và không nên ăn gì?
Với u vàng da không kèm rối loạn lipid máu
Khi không đi kèm với rối loạn lipid máu, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ u vàng hoặc can thiệp phá hủy, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ u vàng cho kết quả tốt và duy trì được tính thẩm mỹ.
- Các phương pháp điều trị khác bao gồm: Dùng laser CO2, laser Er YAG, áp lạnh, lột hóa chất dùng acid trichloroacetic 70%
- Các tổn thương u vàng nhỏ ở vùng mắt, có thể điều trị bằng phẫu thuật. Với những tổn thương lớn, lan tỏa thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng tia laser.
Vậy là bài viết đã cung cấp thông tin giúp bạn đọc biết được nguyên nhân và cách điều trị bệnh u vàng da. Khi có các triệu chứng u vàng trên da, bạn nên ngay lập tức đến thăm khám tại các cơ sở y tế chất lượng, nhằm kịp thời phát hiện và điều trị dứt điểm bệnh.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể