Tiền sản giật là 1 trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nhất là những mẹ bầu có nguy cơ cao. Tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu mẹ được chăm sóc thai kỳ đúng cách và thực hiện các phương pháp tầm soát tiền sản giật đúng thời điểm.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu chi tiết về tầm soát tiền sản giật trong thai kỳ
Tiền sản giật trong thai kỳ là tai biến sản khoa đặc trưng bởi tình trạng huyết áp cao với tần suất 2 – 5%, tình trạng này có thể gây ra tổn thương đến gan, thận. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ bầu. Tiền sản giật thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ 3, từ tuần 34 trở đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp xảy ra sớm ở tuần 20 hoặc xuất hiện muộn sau vượt cạn.
Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó tầm soát tiền sản giật là cách tối ưu để phát hiện sớm nguy cơ và kịp thời can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Contents
Ý nghĩa của tầm soát tiền sản giật đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi
Mặc dù nguy hiểm nhưng không phải mẹ bầu nào cũng hiểu rõ về bệnh lý này, nhất là các mẹ mang thai lần đầu. Tiền sản giật có thể biểu hiện thông qua hiện tượng tăng huyết áp hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nào.
Vì thế các bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu nên theo dõi sức khỏe hàng ngày và thường xuyên kiểm tra huyết áp để đánh giá sớm các bất thường có thể xảy ra. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu tiền sản giật khác như:
- Protein niệu hay dư thừa protein trong nước tiểu;
- Đau bụng;
- Buồn nôn, nôn;
- Nước tiểu giảm;
- Sưng phù mặt, tay, chân;
- Tăng cân nhanh bất thường.
Mẹ bầu bị tiền sản giật trong thai kỳ nếu không được kiểm soát có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như thai nhi chậm tăng trưởng, sinh non, rau bong non, hội chứng HELLP, sản giật, tổn thương gan, thận và các bệnh tim mạch, thậm chí thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ.
Để có thai kỳ khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông”, giảm nguy cơ gặp tai biến sản khoa, mẹ bầu nên thực hiện tầm soát tiền sản giật khi bước vào tuần thứ 11 và trước 13 tuần 6 ngày. Thông qua các xét nghiệm cần thiết, xét nghiệm tiền sản giật sẽ giúp bác sĩ đánh giá và sàng lọc nguy cơ bị tiền sản giật. Từ đó sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả.
Các phương pháp tầm soát tiền sản giật
Tầm soát tiền sản giật là việc quan trọng mẹ bầu nên thực hiện, đặc biệt với những mẹ bầu thuộc nhóm nguy cơ cao như mang thai khi ngoài 40 tuổi, béo phì, tiền sử cao huyết áp, tiền sử bị tiền sản giật hoặc trong gia đình có người từng bị, mang thai đôi hoặc đa thai, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, lupus ban đỏ,… Tiền sản giật có thể được phát hiện nhờ những xét nghiệm dưới đây.
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Xét nghiệm trên mẫu máu của mẹ bầu nhằm mục đích kiểm tra chỉ số tiểu cầu trong máu, hệ thống mạch máu của nhau thai và chức năng nội mô của mẹ. Đồng thời, kết quả xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ đánh giá chức năng hoạt động của gan, thận, khả năng đông máu, phát hiện sớm tổn thương ở thận và nguy cơ xảy ra hội chứng HELLP. Xét nghiệm nước tiểu cũng là một xét nghiệm quen thuộc trong thai kỳ giúp kiểm tra lượng protein trong nước tiểu trong vòng 24 giờ gần nhất.
Tìm hiểu thêm: Bột diếp cá có tác dụng gì? Cách sử dụng như thế nào?
Đo huyết áp động mạch
Việc đo huyết áp trong thai kỳ là rất cần thiết để tầm soát tiền sản giật. Mẹ bầu sẽ được đo huyết áp 2 lần và lấy giá trị trung bình ở mỗi tay và cả 2 tay.
Siêu âm
Bên cạnh chỉ số xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu thì siêu âm để đo chỉ số xung động mạch tử cung và kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng rất quan trọng. Siêu âm sẽ giúp bác sĩ theo dõi, đánh giá sức khỏe thai nhi thông qua các chỉ số cân nặng, nước ối, chỉ số trở kháng.
Hướng dẫn cách phòng ngừa tiền sản giật thai kỳ
Tiền sản giật có thể gặp ở bất kỳ ai, vì thế việc tầm soát tiền sản giật là việc cần thiết mẹ bầu nào cũng nên thực hiện. Ngoài việc xét nghiệm tiền sản giật từ sớm, mẹ bầu cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh lý này:
- Khám và theo dõi thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ;
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp;
- Xét nghiệm nước tiểu định kỳ;
- Thực hiện chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, bổ sung canxi, sắt, vi chất khác theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Uống nhiều nước;
- Không nên ăn quá mặn, giảm muối trong bữa ăn hàng ngày;
- Tránh mang thai khi quá sớm hoặc tuổi quá cao;
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, rượu, bia.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc lệch hàm trên
Khi mang thai và sinh con, cơ thể người mẹ không chỉ thay đổi mà còn phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ về sức khỏe. Trong đó tiền sản giật là một trong những mối đe dọa khiến mẹ bầu lo lắng. Tuy nhiên, nếu được theo dõi thai kỳ sát sao, thay đổi lối sống và tuân thủ những cách phòng ngừa ở trên, tiền sản giật sẽ không còn là nỗi sợ của mẹ.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tiền sản giật và các phương pháp tầm soát tiền sản giật phố biến hiện nay. Hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ bầu hiểu hơn về tình trạng tiền sản giật, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả và giảm bớt lo lắng khi mang thai.
Xem thêm:
- Tiền sản giật dưới 37 tuần: Biến chứng nguy hiểm ở thai kỳ
- Tiền sản giật kiêng ăn gì? Những lưu ý về dinh dưỡng
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể