Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có chức năng khác nhau trong cơ thể, trong đó không thể không nhắc đến tế bào gốc phôi. Vậy tế bào gốc phôi là gì? Tế bào gốc phôi có những đặc trưng nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tế bào gốc phôi là gì? Tế bào gốc phôi có những đặc trưng nào?
Việc sử dụng công nghệ tế bào gốc phôi trong y học những năm gần đây đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhà nghiên cứu cũng như các y bác sĩ. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu những thông tin về tế bào gốc phôi nhé.
Contents
Tế bào gốc phôi là gì?
Tế bào gốc là tế bào được lấy từ cơ thể con người, cụ thể là các tế bào nguyên sinh trong cơ thể. Các tế bào này có thể tiến hóa thành nhiều dạng tế bào khác nhau nhằm thay thế hoặc làm lành các tế bào tổn thương của cơ thể. Về mặt nguồn gốc, có thể chia tế bào gốc thành các loại như: Tế bào gốc phôi, tế bào gốc đa năng cảm ứng và tế bào gốc trưởng thành.
Tế bào gốc phôi là các tế bào được hình thành sau khi trứng được thụ tinh tạo thành hợp tử lưỡng bội, phân chia thành 2 tế bào. Sau đó các tế bào này lại phân chia thành 2 tế bào nữa và cứ tiếp tục 4 – 5 ngày sau sẽ bắt đầu có phôi nang chứa khoảng 10 – 20 tế bào gốc phôi. Sau 1 tuần kể từ thời điểm thụ tinh, các tế bào gốc phôi này sẽ nhân lên và biệt hóa thành các tế bào cần thiết để hình thành nên cơ thể con người bao gồm các tế bào da, tế bào cơ, tế bào gan hoặc tế bào não. Chính vì lẽ đó, tế bào gốc phôi được gọi là tế bào gốc toàn năng. Tế bào gốc toàn năng là duy nhất vì chúng có khả năng phát triển lớn hơn loại tế bào gốc khác.
Những đặc trưng của tế bào gốc phôi
Tế bào gốc phôi có một số đặc trưng như sau:
- Tính toàn năng: Đây là đặc tính giúp tế bào gốc phôi trở thành “độc nhất vô nhị” bởi khả năng biến đổi mọi tế bào trong cơ thể. Khoảng sau 1 tuần từ khi thụ tinh, tế bào gốc phôi sẽ trở thành các mô và các cơ quan, dần mất đi tính toàn năng của chúng.
- Tạo ra nhiều loại tế bào: Tế bào gốc phôi có thể tạo ra bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, đặc tính mà tế bào gốc trưởng thành không có.
- Tính linh hoạt: Tế bào gốc phôi có tính linh hoạt cao. Khi các mô cơ trong cơ thể gặp tổn thương, không thể phục hồi thì tế bào gốc sẽ có vai trò biệt hóa thành các tế bào mô của cơ quan này. Vì vậy, tế bào gốc phôi có thể tự hỗ trợ đổi mới và sửa chữa cấu trúc cho các cơ quan, bộ phận bị tổn thương. Cụ thể trong mô hình chuột thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng các mô có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi để điều trị mô hình bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, chấn thương cột sống hoặc các bệnh lý khác liên quan đến rối loạn miễn dịch di truyền.
Tìm hiểu thêm: Uống nước gì tốt cho thận? Một số thói quen giữ cho thận luôn khoẻ
Vì sao sử dụng tế bào gốc phôi lại gây tranh cãi trong y học?
Hiện nay, việc sử dụng tế bào gốc phôi trong y học còn nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học. Bởi tế bào gốc phôi có 3 nguồn cung chính là: Các phôi thai dư thừa sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, phôi thai được tạo ra trong phòng thí nghiệm do tinh trùng và trứng hiến tặng hoặc phôi thai được tạo ra bởi kỹ thuật nhân tế bào sinh dưỡng.
Có thể thấy, các nguồn cung tế bào gốc phôi nêu trên đều liên quan đến vấn đề đạo đức. Vì một số quan điểm cho rằng, cuộc đời mỗi con người được tính từ khi chúng ta còn là phôi thai, hoặc nói cách khác phôi thai chính là con người tiềm năng. Chính vì vậy, phá hủy phôi thai để lấy tế bào gốc phôi đồng nghĩa với việc cắt đi sự sống của con người. Ngoài ra, một số người cho rằng việc tạo ra phôi thai rồi phá hủy nó để đáp ứng việc nghiên cứu y học còn tệ hơn so với việc tạo ra phôi thai với mục đích điều trị sinh sản.
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, những phôi thai chưa được cấy vào tử cung không có đặc tính tâm lý, cảm xúc hoặc thể chất. Vì vậy các phôi thai này không liên quan đến sự sống của con người, có thể thực hiện lấy tế bào gốc phôi phục vụ cho mục đích nghiên cứu trong y học.
>>>>>Xem thêm: Màu mắt có do di truyền không? Di truyền màu mắt diễn ra như thế nào?
Những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng tế bào gốc phôi trong cơ thể người
Để tế bào gốc phôi khi áp dụng vào cơ thể người đạt được hiệu quả thì các nhà nghiên cứu phải chắc chắn rằng tế bào gốc phôi này sẽ biệt hóa thành loại tế bào như mong muốn. Tuy nhiên, tế bào gốc phôi có thể phát triển không đều và biệt hóa thành các loại tế bào tự phát khác nhau. Mặt khác, tế bào gốc phôi cũng có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch khiến cơ thể tấn công lại tế bào gốc như những kẻ xâm lược ngoại lai.
Hoặc cũng có trường hợp tế bào gốc có thể không hoạt động bình thường nhưng không rõ hậu quả. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cách tránh những biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng tế bào gốc phôi trong cơ thể người cũng như kiểm soát sự phát triển và biệt hóa của tế bào gốc phôi.
Trên đây là toàn bộ thông tin về tế bào gốc phôi. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm, đặc tính về tế bào gốc phôi. Có thể thấy, tế bào gốc phôi là loại tế bào toàn năng, mở ra niềm tin lớn đối với y học. Tuy nhiên, việc có thể áp dụng tế bào gốc phôi hay không vẫn còn nhiều tranh cãi tồn đọng liên quan đến vấn đề đạo đức.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể