Tại sao nên tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực?

Đặt túi ngực là phương pháp làm đẹp được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để giúp bản thân có thể tự tin hơn về ngoại hình của mình. Tuy nhiên, nhiều chị em lo lắng liệu đặt túi ngực có làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú không? Tại sao cần tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực?

Bạn đang đọc: Tại sao nên tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực?

Ung thư vú là một trong những căn bệnh mà chị em phụ nữ lo lắng, quan tâm nhất. Tầm soát ung thư vú cũng là cách thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân, kể cả chị em có hoặc không có đặt túi ngực. Cùng tìm hiểu bài viết sau để rõ hơn về vấn đề tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực nhé!

Tại sao nên tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực?

Một trong những cách làm đẹp phổ biến giúp chị em phụ nữ có thể tự tin hơn là nâng ngực bằng túi nước muối hoặc túi silicon. Với phương pháp làm đẹp này, bác sĩ sẽ đặt túi vào mô của tuyến vú, sát với thành ngực, trước hoặc sau cơ ngực, giúp đẩy mô tuyến vú về phía trước, từ đó ngực được nâng lên.

Sau khi đặt túi ngực, chị em phụ nữ sẽ có cảm giác căng ngực. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ quen dần và bạn cần phải xác định được đâu là tuyến vú thật để có thể tự mình kiểm tra và phát hiện những bất thường của tuyến vú và thăm khám kịp thời.

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực 1

Tại sao nên tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực là thắc mắc của nhiều người

Tại sao nên tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các loại túi ngực không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, không làm tăng cũng không giảm khả năng mắc loại bệnh này. Nguy cơ mắc ung thư vú tùy thuộc vào chủng tộc, lối sống, độ tuổi, di truyền,… Chính vì thế, bạn nên thực hiện tầm soát ung thư vú định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện những bất thường và điều trị sớm để mang lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, việc đặt túi ngực có thể là nguyên nhân của u lympho tế bào lớn dạng không biệt hóa, một loại ung thư rất hiếm gặp. Triệu chứng của bệnh bao gồm sưng đau vú, thay đổi kích thước của tuyến vú hoặc xuất hiện hạch nách to. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ túi ngực, có thể cắt rộng sang các mô xung quanh, có thể kết hợp xạ trị và hóa trị.

Phương pháp tầm soát ung thư vú

Xét nghiệm tầm soát ung thư vú ở chị em phụ nữ đặt túi ngực với mục tiêu phát hiện sớm trước khi ung thư biểu hiện ra bên ngoài. Có hai phương pháp tầm soát như sau:

Chụp x-quang vú

Chị em phụ nữ có đặt túi ngực nên báo với bác sĩ trước khi thực hiện chụp x-quang tuyến vú. Bởi khi đặt túi ngực, dù là túi độn dạng silicon hay túi nước cũng đều khiến cho bác sĩ khó quan sát mô vú thẳng hàng trên phim x-quang tuyến vú. Việc chụp x-quang tuyến vú đòi hỏi bác sĩ quan sát được càng nhiều mô vú sẽ càng tốt. Người bệnh sẽ được hướng dẫn chụp thêm 4 hình ở mỗi bên vú cùng với 4 hình tiêu chuẩn.

Chị em đừng quá lo lắng vì rất hiếm xảy ra trường hợp làm vỡ túi độn ngực trong quá trình chụp x-quang. Theo ghi nhận của FDA, có khoảng 61/300.000 trường hợp đặt túi ngực khi chụp ảnh x-quang bị vỡ. Nguyên nhân do túi ngực đã bị rò rỉ sẵn, cộng thêm lực ép của máy chụp x-quang có thể sẽ làm tăng lượng silicon hoặc nước muối thoát ra ngoài, thấm vào các mô vú. Một vài trường hợp mô xơ xung quanh vú có thể bị phá hủy khi chụp x-quang dẫn đến làm tuyến vú thay đổi hình dạng và mềm nhão hơn.

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực 2

Chị em phụ nữ có đặt túi ngực nên báo với bác sĩ trước khi thực hiện chụp x-quang tuyến vú

Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)

Mặc dù phương thức siêu âm và chụp nhũ ảnh là lựa chọn đầu tiên để khảo sát bất thường mô tuyến vú khi phụ nữ có đặt túi ngực. Tuy nhiên, chụp MRI mới được xem là tiêu chuẩn vàng, có giá trị hơn hẳn những phương thức nêu trên. Chụp cộng hưởng từ MRI không sử dụng tia X mà thay vào đó là sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để cho ra hình ảnh chi tiết về các mô hoặc các cơ quan trong cơ thể. Phương pháp này giúp phân biệt được rõ ràng phần mỡ, nước, cơ và túi ngực. Từ đó giúp phát hiện các vấn đề bất thường ở tuyến vú mà không thể nhìn thấy bằng hình thức chụp x-quang tuyến vú hay siêu âm.

Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI sẽ được bác sĩ chỉ định khi có bất kỳ nghi ngờ nào trên túi ngực hoặc bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư (có sang thương tiền ung thư, đột biến gen,…). Bên cạnh đó, MRI còn giúp chị em phụ nữ tầm soát được những trường hợp vỡ hoặc rách túi ngực silicon.

Có nhiều phương thức giúp tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực. Tuy nhiên, phương pháp chụp MRI là lựa chọn tốt để bác sĩ có thể chẩn đoán cho kết quả chính xác.

Cần chuẩn bị gì khi đi tầm soát ung thư vú?

Các chị em phụ nữ đã đặt túi ngực, trước khi đi tầm soát ung thư vú, cần chuẩn bị những điều sau:

  • Mang theo thẻ bảo hiểm, giấy tờ tùy thân, hồ sơ bệnh án hoặc bất kỳ kết quả chụp nhũ ảnh, sinh thiết hay siêu âm nào mà bệnh nhân đã từng thực hiện trước đó.
  • Nếu chị em nghi ngờ mình có thai hoặc đang có thai, đang cho con bú nên thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn quy trình thực hiện phù hợp, nhằm đảm bảo sự an toàn của bé.
  • Không sử dụng bất kỳ mỹ phẩm hay hóa chất nào kể cả chất khử mùi, phấn, kem, chất chống mồ hôi, nước hoa,… ở vùng dưới cánh tay, trên hoặc dưới ngực.
  • Trước khi vào phòng thực hiện chụp x-quang tuyến vú, bạn không mặc áo lót và thay trang phục của phòng x-quang.
  • Thành thật chia sẻ một cách chi tiết về tiền sử bệnh, đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung của những người thân trong gia đình.

Tìm hiểu thêm: Dimenhydrinat có dùng được cho bà bầu không?

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực 3
Nên thành thật chia sẻ một cách chi tiết về tiền sử bệnh của gia đình

Nhầm lẫn giữa ung thư vú và biến chứng khi đặt túi ngực

Tuyến vú của chị em khi đặt túi ngực sẽ khác với tuyến vú thông thường. Các bác sĩ vẫn thực hiện việc thăm khám theo kỹ thuật mamacare mà không bị ảnh hưởng bởi túi ngực. Mặt khác, bề mặt láng của túi ngực còn giúp các mô tuyến vú dàn trải, giúp việc phát hiện bất thường dễ hơn khi thăm khám. Tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ nhầm lẫn giữa ung thư vú và biến chứng khi nâng ngực hay đặt túi ngực như sau:

  • Mất cân đối tuyến vú: Việc này có thể do sự xuất hiện của khối u ở vú hoặc cũng có thể do sự co thắt của vỏ bao túi ngực hay rò rỉ của nước muối hoặc silicon.
  • Các nốt hoặc khối u bất thường ở tuyến vú: Đây có thể là khối u ác tính hoặc sự vôi hóa của các mô xung quanh túi ngực hoặc silicon bị rò rỉ.
  • Hạch nách: Hạch nách có thể là do ung thư vú di căn hoặc có thể chỉ là silicon trong túi ngực bị rò rỉ và di chuyển đến vùng nách.
  • Nếp nhăn da: Nếp nhăn da có thể do sự thay đổi màu da của ung thư vú hoặc thay đổi da sau khi đặt túi ngực.

Những trường hợp kể trên bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở uy tín để được các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm, phương pháp để xác định xem bản thân có mắc ung thư vú hay không.

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực 4

>>>>>Xem thêm: Trám răng bằng Amalgam có độc không? Ưu và nhược điểm khi trám răng bằng Amalgam

Nổi hạch nách có thể gây nhầm lẫn giữa ung thư vú và biến chứng khi đặt túi ngực

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực là việc nên làm để giúp bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Chị em phụ nữ không nên e ngại mà hãy tự chủ động thăm khám theo khuyến cáo định kỳ để phát hiện sớm những bất thường ở tuyến vú. Hãy luôn ghi nhớ rằng, điều trị sớm sẽ mang lại được hiệu quả cao.

Xem thêm:

  • Quy trình thực hiện tái tạo vú bằng túi ngực diễn ra như thế nào?
  • Nang bọc sữa ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *