Nội tiết là gì? Hệ nội tiết có chức năng gì đối với cơ thể? Nội tiết có vai trò vô cùng quan trọng. Một cơ thể khỏe mạnh là một cơ thể có hệ nội tiết được cân bằng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem tại sao hệ nội tiết lại quan trọng, vai trò, chức năng của nó.
Bạn đang đọc: Nội tiết là gì? Chức năng của hệ nội tiết và các tuyến nội tiết trong cơ thể
Các hormone được tạo ra và giải phóng bởi các tuyến trong hệ nội tiết của cơ thể kiểm soát gần như tất cả các quá trình trong cơ thể. Những hóa chất này giúp điều phối các chức năng của cơ thể, từ trao đổi chất đến tăng trưởng và phát triển, cảm xúc, tâm trạng, giấc ngủ và thậm chí cả chức năng tình dục. Vậy nội tiết là gì? Hệ nội tiết ra sao?
Contents
Nội tiết là gì?
Nội tiết là gì? Nội tiết là một nhánh của y học liên quan đến hệ nội tiết, nghiên cứu và kiểm soát các hormone (nội tiết tố) trong cơ thể. Hiểu theo cách đơn giản nhất, hormone hay nội tiết tố là một chất truyền tin hóa học di chuyển từ tế bào hoặc nhóm tế bào này đến tế bào hoặc nhóm tế bào khác.
Nội tiết tố được giải phóng (tiết ra) từ các tuyến nội tiết trong cơ thể, di chuyển theo dòng máu và ảnh hưởng lên các bộ phận khác. Điều này giúp các bộ phận khác nhau và cách xa nhau của cơ thể con người có thể giao tiếp được với nhau. Hormone kiểm soát nhiều quá trình khác nhau của cơ thể như: Quá trình trao đổi chất, cân bằng nội môi, cân bằng chất lỏng, chất điện giải và nhiệt độ cơ thể, quá trình tăng trưởng và phát triển, tâm trạng, giấc ngủ, các chức năng tình dục và cơ quan sinh sản.
Hệ nội tiết được hiểu là một hệ thống các tuyến không ống dẫn, có khả năng tiết các chất sinh hoá hormone theo máu chuyển đến và tạo tác động tại những cơ quan khác trong cơ thể. Hệ nội tiết có vai trò tạo ra và điều chỉnh các hormone chịu trách nhiệm giao tiếp cho hầu hết mọi tế bào, cơ quan và chức năng của cơ thể con người. Những tuyến này nằm rải rác khắp cơ thể, có nhiệm vụ sản sinh và giải phóng hormone.
Chức năng của hệ nội tiết
Các tuyến của nó tạo ra và giải phóng các hormone nhằm liên tục theo dõi lượng hormone trong máu và kiểm soát hầu hết mọi quá trình trong cơ thể. Chúng điều phối:
- Quá trình trao đổi chất;
- Cân bằng nội môi;
- Cân bằng chất lỏng, chất điện giải và nhiệt độ cơ thể;
- Quá trình tăng trưởng và phát triển;
- Cảm xúc và tâm trạng;
- Giấc ngủ;
- Các cơ quan sinh sản và chức năng tình dục;
- Theo dõi và kiểm soát lượng hormone có trong máu;
- Huyết áp.
Tìm hiểu thêm: Sỏi thận có chữa được không?
Các tuyến nội tiết trong cơ thể
Các tuyết nội tiết là gì? Hệ nội tiết được hình thành từ các cơ quan gọi là tuyến. Các tuyến nằm rải rác trên khắp cơ thể, bao gồm cả cổ, não và cơ quan sinh sản. Các tuyến tạo nên hệ nội tiết bao gồm:
- Tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận gồm 2 tuyến, mỗi tuyến nằm trên mỗi quả thận, được biết đến nhiều nhất với khả năng tạo ra corticosteroid, hormone giới tính và hormone adrenaline. Chúng kiểm soát căng thẳng, các quá trình trao đổi chất, lượng oxy hấp thụ, huyết áp, lưu lượng máu, sự phát triển giới tính và các chức năng tình dục.
- Tuyến tùng (thể tùng): Tuyến này tạo ra và giải phóng melatonin, một loại hormone cần thiết giúp cơ thể điều hòa và quản lý chu kỳ giấc ngủ.
- Tuyến cận giáp: Đây là một bộ bốn tuyến nhỏ bằng hạt gạo nằm phía sau tuyến giáp, chuyên phụ trách tạo ra hormone peptide PTH giúp kiểm soát lượng canxi và phốt pho trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương.
- Vùng dưới đồi: Tuyến này nằm trong não, có liên kết với hệ thần kinh và kiểm soát hệ nội tiết. Nó sử dụng thông tin từ hệ thần kinh để xác định thời điểm ra lệnh cho các tuyến khác, bao gồm cả tuyến yên biết khi nào cần bắt đầu hoặc ngừng việc sản xuất hormone. Vùng dưới đồi cũng đồng thời kiểm soát nhiều quá trình trong cơ thể bao gồm tâm trạng, cảm giác đói và khát, kiểu ngủ và chức năng tình dục.
- Buồng trứng (nữ): Ở phụ nữ có hai buồng trứng ở bụng dưới, mỗi buồng ở hai bên, các cơ quan này tiết ra hormone giới tính được gọi là estrogen, testosterone và progesterone có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bộ ngực, hỗ trợ mang thai và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
- Tinh hoàn (nam): Ở nam giới, tinh hoàn là cơ quan tạo ra tinh trùng và sản xuất hormone testosterone, hormone này khiến lông trên cơ thể phát triển ở tuổi dậy thì và có ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng, sức mạnh cơ bắp và ham muốn tình dục.
- Tuyến giáp: Tuyến giáp có hình con bướm nằm phía trước cổ, chuyên tạo ra hormone tuyến giáp giúp kiểm soát quá trình tăng trưởng, trao đổi chất và nhiều chức năng khác trong cơ thể.
- Tuyến yên: Tuyến yên nằm ở đáy não, tuy nó chỉ có kích thước bằng hạt đậu nhưng lại có một trách nhiệm to lớn về nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cả sự phát triển của cơ thể. Sau khi nhận được thông tin từ não bộ, tuyến yên sẽ sản sinh ra các hormone nhằm điều khiển các hoạt động của một số tuyến khác như buồng trứng và tinh hoàn, tuyến giáp, tuyến thượng thận.
- Tuyến tụy: Tuyến tụy là một phần của hệ thống nội tiết và cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa. Nó tạo ra các enzym tiêu hóa cho phép phân hủy thức ăn, đồng thời tạo ra các hormone insulin và glucagon giúp kiểm soát lượng đường trong máu và tế bào.
>>>>>Xem thêm: Bạn biết gì về loãng xương độ 3?
Rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết trong cơ thể có thể là nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh như: Tiểu đường, rối loạn tuyến giáp, suy sinh dục (testosterone thấp), hội chứng buồng trứng đa nang (pcos), loãng xương, Addison (suy tuyến thượng thận), mất kinh, bệnh cường giáp, suy giáp, suy tuyến yên, u tân sinh đa tuyến nội tiết, dậy thì sớm, suy buồng trứng sớm.
Trên đây là những thông tin về câu hỏi “nội tiết là gì?”. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ thêm về hệ nội tiết và vai trò của hệ nội tiết trong cơ thể. Hãy đi thăm khám bác sĩ kịp thời nếu nghi ngờ mình có các dấu hiệu bệnh lý do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể