Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván. Vi khuẩn uốn ván có mặt ở khắp nơi và gây bệnh ở các nước trên thế giới. Ở những những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, bệnh uốn ván thường gặp nhiều hơn. Vậy dấu hiệu uốn ván là gì? Hãy cùng Kenshin tìm hiểu các thông tin hữu ích để giải đáp những câu hỏi này nhé!
Bạn đang đọc: Những dấu hiệu uốn ván điển hình theo từng thời kỳ bệnh
Uốn ván là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao. Các biến chứng có thể kể đến là gây tổn thương não và thần kinh trung ương, căng cứng cơ toàn thân, co giật, suy hô hấp, trụy tim mạch,… Vậy dấu hiệu uốn ván là gì?
Contents
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng uốn ván
Phong đòn gánh là một tên gọi khác của bệnh uốn ván do ngoại độc tố thần kinh của vi khuẩn Clostridium tetani. Clostridium tetani là một trực khuẩn gram dương, quanh thân có lông, khả năng di chuyển tương đối, và đặc biệt là sinh sống trong môi trường yếm khí. Trong tự nhiên, trực khuẩn này tạo ra các nha bào uốn ván. Các nha bào có đặc tính bền vững, sau vài năm nằm trong đất, nha bào này vẫn có thể gây bệnh uốn ván nếu xâm nhập được vào cơ thể người qua vết thương hở.
Trực khuẩn uốn ván có mặt ở khắp nơi trên thế giới, chủ yếu được tìm thấy trong đất, phân của các loài gia súc,… Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết thương hở, tổn thương sâu, nhiều dị vật, vết thương bị nhiễm bẩn, hoặc bị thương khi đang ở những môi trường bẩn, đạp phải vật gỉ sắt trên đất,… Những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Khi nha bào vào được cơ thể sẽ phát triển, sinh sản và tạo ra các ngoại độc tố thần kinh bám vào đuôi các sợi thần kinh, độc tố lan dần vào tuỷ sống và não, dẫn đến triệu chứng cứng cơ, co giật, nếu nặng hơn có thể gây ngừng thở và tử vong.
Bệnh uốn ván lây truyền qua đường nào?
Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người, chỉ lây truyền qua vết thương hở. Đã có nhiều ghi nhận về các trường hợp lây truyền uốn ván, nhưng hầu như đều có điểm chung là có vết thương hở và tiếp xúc với đồ vật hoặc môi trường bẩn, trong đó có các trường hợp như sau:
- Sau khi thực hiện thủ thuật nạo phá thai hay phẫu thuật tại các cơ sở hoặc điều kiện không đảm bảo vệ sinh và điều kiện vô trùng,…
- Cơ thể bị tổn thương bởi các dị vật nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho nha bào uốn ván phát triển và sinh sôi.
- Uốn ván rốn trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ sơ sinh bị uốn ván sau khi cắt cuống rốn bằng dụng cụ không đảm bảo điều kiện vô trùng, kèm theo việc chăm sóc rốn không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh, gạc băng rốn không vô khuẩn.
Những đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh uốn ván:
- Người bị mắc cách bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch HIV.
- Các ngành nghề phải tiếp xúc trực tiếp với bùn đất, những vật dụng kim loại như nông dân, thợ xây, chăn nuôi gia súc, gia cầm,…
- Hoạt động trong quân đội hoặc thanh niên xung phong.
- Không tiêm phòng vắc xin uốn ván.
Vậy làm sao để có thể nhận biết là bệnh uốn ván? Dấu hiệu khi bị uốn ván là gì? Hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo nhé!
Tìm hiểu thêm: Các khắc phục vết bỏng với kem đặc trị Hyalo4 Plus
Dấu hiệu uốn ván là gì?
Vậy dấu hiệu uốn ván là gì? Khi nha bào uốn ván tiếp xúc được với vết thương hở và xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian ủ bệnh sẽ khởi phát các triệu chứng như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đây cũng có thể xem là dấu hiệu sớm của uốn ván. Sau một thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ khởi phát và tiến triển nặng hơn. Các dấu hiệu bị nhiễm uốn ván sẽ phát triển qua các giai đoạn như sau:
Ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh trong giai đoạn này trung bình khoảng 10 ngày kể từ khi bị thương và các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trong vòng 14 ngày. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ và tình trạng nhiễm bẩn của vết thương mà thời gian ủ bệnh sẽ khác nhau, nhưng thường sẽ từ 3 đến 21 ngày.
Khởi phát: Dấu hiệu uốn ván đầu tiên của giai đoạn này là cứng hàm, tiếp đến xuất hiện các cơn co thắt ở hầu họng, thanh quản hay các cơn co giật đầu tiên. Các triệu chứng trong giai đoạn này còn gồm có sự mỏi cơ hàm, khó khăn trong việc nhai và mở miệng, khó nuốt. Tiếp đến là co cứng cơ gáy, cứng cổ và sẽ nghiêng ngược dần, co cơ lưng, cứng cơ bụng. Bên cạnh các triệu chứng trên có thể kèm theo sốt cao, đổ mồ hôi, tim đập nhanh.
Toàn phát: Từ khi có xuất hiện co giật toàn thân hay co thắt hầu họng/thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu giai đoạn lui bệnh, thường kéo dài từ 1 đến 3 tuần. Các triệu chứng của giai đoạn này gồm: Co cứng toàn thân liên tục, ưỡn cong người, khó thở, tím tái do co thắt thanh quản, khó nuốt, ứ đọng đờm, khó nuốt, gây bí tiểu,… Các cơn co giật trong giai đoạn này rất nguy hiểm vì có thể gây cứng cơ hô hấp, suy hô hấp, làm giảm thông khí, ngưng thở hoặc nặng hơn có thể gây tử vong.
Lui bệnh: Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh hay tình trạng cơ địa mỗi người. Ở giai đoạn này các cơn co giật ở hầu họng/thanh quản hay toàn thân thưa dần, tình trạng co cứng toàn thân cũng giảm dần, các phản xạ nuốt, mở rộng miệng dần khôi phục lại, không còn khó như ở các giai đoạn trước.
Biện pháp phòng ngừa uốn ván
Cách phòng ngừa uốn ván tốt nhất hiện nay đó là tiêm vắc xin. Vắc xin uốn ván có nhiều loại phù hợp cho mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn hay thậm chí là phụ nữ có thai. Ở mỗi đối tượng sẽ có liều lượng số mũi tiêm, và loại vắc xin khác nhau:
- Trẻ em từ 0 đến 12 tháng tuổi: Tiêm 03 mũi vắc xin (loại vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib).
- Từ 18 tháng tuổi đến 4 tuổi: Tiêm nhắc lại 01 mũi vắc xin kể trên.
- Từ 4 đến 6 tuổi: Tiêm nhắc lại 01 mũi vắc xin uốn ván và cứ 10 năm sẽ tiêm nhắc lại một lần.
- Người lớn: Tiêm 03 liều dự phòng cơ bản, sau khi đã đủ liều cơ bản thì cứ 10 năm tiêm nhắc lại một lần.
- Phụ nữ có thai: Tiêm 02 mũi vắc xin uốn ván với lần đầu tiên mang thai (02 mũi này cách nhau tối thiểu 01 tháng). Chỉ cần tiêm 01 mũi vắc xin ở mỗi lần mang thai sau.
>>>>>Xem thêm: Bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch như thế nào?
Uốn ván là một bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong với tỷ lệ cao, nhất là đối với trẻ em. Với những thông tin mà bài viết trên đã chia sẻ ở trên, mong là sẽ mang đến những kiến thức bổ ích, giúp người đọc có thể biết và nhận ra dấu hiệu uốn ván để kịp thời thăm khám và điều trị. Để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, hãy chủ động tiêm phòng vắc xin uốn ván để phòng ngừa bệnh nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể