Hầu hết phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng âm đạo ít nhất một lần trong đời. Bất chấp những nỗ lực, bạn có thể không ngăn ngừa được tất cả các bệnh nhiễm trùng âm đạo và chúng có thể tái đi tái lại. Vậy tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi?
Bạn đang đọc: Lý do tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi?
Nhiễm trùng âm đạo có thể xảy ra nếu có bất cứ điều gì phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của sinh vật hoặc nếu vi khuẩn không lành mạnh xâm nhập vào âm đạo. Điều này thường dẫn đến những thay đổi trong dịch tiết âm đạo về màu sắc, kết cấu hoặc mùi. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây nhiễm trùng âm đạo và trả lời câu hỏi tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi qua bài viết sau.
Contents
Các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa
Dưới đây là những tác nhân gây nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất:
- Nhiễm trùng nấm men: Đây là sự phát triển quá mức của nấm men, một loại nấm thường thấy trong cơ thể chúng ta. Còn được gọi là bệnh nấm candida âm đạo, bệnh này thường xảy ra nhất khi sự cân bằng giữa nấm men và vi khuẩn trong âm đạo của bạn bị xáo trộn. Nhiễm trùng nấm men có dịch tiết ra đặc và có màu như phô mai. Bạn cũng có thể cảm thấy ngứa hoặc rát ở âm đạo và âm hộ.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV): Đây không phải là một bệnh nhiễm trùng thực sự mà là tình trạng xảy ra khi có quá nhiều vi khuẩn có hại và không có đủ vi khuẩn có lợi hiện diện trong âm đạo. BV có dịch tiết nhiều, trong và thường có mùi tanh.
- Trichomonas: Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể gây ra khí hư màu vàng hoặc hơi xanh. Nó cũng có thể gây kích ứng, mẩn đỏ và sưng tấy ở vùng âm đạo.
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Chlamydia và bệnh lậu cũng có thể gây viêm nhiễm phụ khoa với biểu hiện ra dịch tiết vàng.
Tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi?
Dưới đây là 4 lý do tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi:
Bạn bị chẩn đoán sai
Nhiễm trùng âm đạo là tình trạng cực kỳ phổ biến nhưng cũng thường bị chẩn đoán sai, nhiều nghiên cứu cho thấy có đến 60% chẩn đoán sai là nhiễm trùng âm đạo. Nếu bạn tự chẩn đoán mình mắc viêm nhiễm âm đạo, tỷ lệ sai lầm này có thể cao hơn.
Lý do khiến việc chẩn đoán khó khăn vì tình trạng nhiễm trùng âm đạo có các triệu chứng tương tự với các bệnh khác. Cấn thực hiện xét nghiệm soi dịch tiết âm đạo để xác định vi khuẩn đang hiện diện. Bạn cần phải kiểm tra kỹ tất cả các triệu chứng của mình và tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám đúng cách.
Bạn đang dùng sai thuốc
Ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, bạn có thể đang dùng thuốc không có tác dụng đối với vi khuẩn gây ra nhiễm trùng.
Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) có các thuốc điều trị đầu tay tác động tốt hơn trên một số chủng vi khuẩn so với các chúng khác, một số chủng có thể đã kháng thuốc và cần nâng bậc điều trị. Thuốc kháng sinh có thể không tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh (khi chúng hình thành màng sinh học), khiến BV phát triển trở lại trong âm đạo sau điều trị (nhiều trường hợp trong vòng 6 tháng).
Thuốc chống nấm điều trị nhiễm trùng nấm men tiêu chuẩn thường chỉ có tác dụng với Candida albicans (nguyên nhân 95% các trường hợp). Thuốc hầu như không hiệu quả với các chủng Candida tropicalis hay Candida glabrata, cần sử dụng các điều trị thay thế như axit boric để có hiệu quả.
Kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi bên cạnh vi khuẩn gây bệnh, sử dụng kháng sinh vì bất kỳ lý do gì khác ngoài viêm âm đạo làm cho sự mất cân bằng hệ vi sinh trong môi trường âm đạo, dẫn đến bạn tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
Thay đổi nồng độ hormone
Các đối tượng có hormone thay đổi như mang thai, sau sinh, đang mãn kinh có nguy cơ nhiễm trùng âm đạo cao hơn. Vì estrogen thúc đẩy sản xuất đường glycogen, một dạng dinh dưỡng cho vi khuẩn bảo vệ âm đạo là Lactobacilli, giúp duy trì độ pH âm đạo và ngăn chặn mầm bệnh. Khi có ít estrogen sẽ có ít glycogen hơn để nuôi Lactobacillius, tạo cơ hội cho vi khuẩn BV phát triển quá mức. Glycogen cũng là thức ăn cho tế bào nấm men, do đó nồng độ estrogen cao hơn bình thường tạo thuận lợi cho Candida sinh sôi.
Tìm hiểu thêm: Giải pháp cho phái nữ khi bị khô âm đạo
Quan hệ tình dục phá vỡ hệ vi sinh vật âm đạo
Mặc dù cả BV và nấm men đều không lây truyền qua đường tình dục, nhưng việc quan hệ tình dục khi chưa điều trị dứt điểm viêm nhiễm âm đạo tạo điều kiện cho chúng tái đi tái lại, hoặc đưa vi khuẩn mới vào bên trong âm đạo gây nhiễm trùng mới.
Các bước có thể thực hiện để ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo
Ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo có liên quan đến việc duy trì sự cân bằng của các sinh vật trong âm đạo của bạn. Dưới đây là một số mẹo bạn có thể thử:
- Giữ cho vùng âm đạo của bạn khô ráo, lau bằng khăn khô sau mỗi lần tắm, thay quần áo ướt ngay sau khi bơi hoặc tập thể dục.
- Rửa vùng lông mu nhẹ nhàng bằng nước ấm, không cần dùng xà phòng để vệ sinh vùng âm hộ.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton thoáng mát giúp vùng âm đạo thở thông thoáng hơn các loại vải tổng hợp.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, điều này có thể ngăn chặn các sinh vật mới xâm nhập vào âm đạo.
- Làm sạch các sản phẩm có thể tái sử dụng như cốc nguyệt san sau mỗi lần sử dụng.
- Đừng thụt rửa, thụt rửa có thể làm mất cân bằng các sinh vật trong âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm có hại phát triển. Hãy nhớ rằng, âm đạo của bạn có khả năng tự làm sạch!
>>>>>Xem thêm: Bệnh viện nào chữa zona thần kinh tốt nhất?
Hi vọng bài viết đã giúp bạn trả lời được thắc mắc tại sao viêm nhiễm phụ khoa chữa mãi không khỏi? Nếu bạn có từ 5 trường hợp nhiễm trùng âm đạo trở lên trong một năm, hãy hỏi bác sĩ sản phụ khoa về phương pháp điều trị ức chế để giảm bớt tình trạng này.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể