Đau lưng dai dẳng và liệt chân có thể là dấu hiệu của bệnh u cột sống. Đây là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ gây liệt và tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chủ quan cho rằng đau lưng, liệt chân là do thoát vị đĩa đệm.
Bạn đang đọc: Đừng nhầm lẫn giữa u cột sống với thoát vị đĩa đệm
Nhiều người bị đau lưng dai dẳng, liệt chân nhưng lại chủ quan nghĩ rằng bệnh do ngồi sai tư thế hoặc do thoát vị. Trên thực tế, có đến khoảng 20% các nguyên nhân và bệnh lý gây ra các triệu chứng giống với thoát vị đĩa đệm, trong đó có u cột sống. Khác với thoát vị, u cột sống có thể sẽ gây liệt hẳn chứ không có chuyện “tự khỏi”. Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì u di căn cột sống vẫn chưa phải là dấu chấm hết.
Contents
Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn giữa thoát vị đĩa đệm và u cột sống
Mới đây, có một bệnh nhân nữ 30 tuổi liên tục bị đau lưng dai dẳng và được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng điều trị các triệu chứng vẫn không thuyên giảm và phải xin mổ vì quá đau. Các bác sĩ đã tiến hành chụp phim MRI và phát hiện nguyên nhân là những tổn thương bất thường tại thân đốt sống chứ không phải đĩa đệm. Kết quả phim chụp hình ảnh nghi ngờ di căn rất nhiều ở vị trí cột sống trên.
Trường hợp khác là một nam bệnh nhân 27 tuổi, nhập viện trong tình trạng chân bị tê bì và teo nhỏ. Dù đã đi khám chữa thoát vị đĩa đệm ở nhiều nơi nhưng vẫn không có chuyển biến. Cuối cùng, sau khoảng 6 tháng chịu đựng các cơn đau mới được phát hiện mắc bệnh u Schwannoma trong ống sống, loại u hiếm gặp gây chèn ép lên thần kinh khiến người bệnh đau đớn.
Không chỉ những người trẻ, một phụ nữ 60 tuổi cũng gặp vấn đề tương tự. Dù đã chụp phim nhưng vẫn được điều trị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm tại các cơ sở không chính thống đã khiến tình trạng ngày càng tồi tệ. Bệnh nhân đã bị liệt chân và phải sử dụng xe lăn khi đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả phân tích hình ảnh cho thấy, bệnh nhân có một khối u rất lớn trong ống sống, tạo áp lực lên tủy. Sau đó, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật và dần phục hồi tốt.
Bác sĩ Trần Trung Kiên, chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cảnh báo rằng, người dân không nên chủ quan nghĩ rằng đau lưng hay liệt chân chỉ là do thoát vị. Thay vào đó, họ cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị loại trừ bệnh ác tính. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không phải mọi vấn đề về cột sống đều cần đến phẫu thuật và người bệnh nên tìm đến để được tư vấn kịp thời để phát hiện bệnh sớm.
Tìm hiểu về các triệu chứng của u cột sống
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Đình Hòa, người đứng đầu Viện nghiên cứu Ứng dụng y học tái tạo và Tế bào gốc IRS cho biết, u cột sống là những khối mô bất thường xuất hiện và phát triển bên trong ống đốt sống. Khi những khối u này phát triển, chúng có thể khiến ống tủy sống thay đổi và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, ngay cả khi chúng không phải là ung thư.
Tùy theo từng người và từng cơ địa mà các triệu chứng và dấu hiệu của cột sống có thể khác nhau. Một số triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau tại vị trí cột sống có khối u;
- Đau lan tỏa khắp cột sống;
- Cơ ở cánh tay hoặc chân ngày càng suy yếu;
- Mất cảm giác hoặc xúc giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân;
- Gặp khó khăn trong việc di chuyển;
- Bị mất chức năng ruột hoặc bàng quang;
- Độ nhạy cảm đau ở các khu vực bị giảm;
- Mức độ tê liệt bị thay đổi do sự chèn ép dây thần kinh.
Phân biệt giữa thoát vị đĩa đệm và u cột sống
U cột sống và thoát vị đĩa đệm thường dễ bị nhầm lẫn với nhau khi đều có các triệu chứng như đau dai dẳng và gây chèn ép thần kinh. Tuy nhiên, có đến hơn 90% trường hợp thoát vị không cần có sự can thiệp mà chỉ cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc, cơ thể sẽ dần thích nghi với sự chèn ép, triệu chứng đau dần trở nên quen thuộc và người bệnh thường tìm cách thay đổi tư thế (nghiêng, còng, vẹo) để giảm đau trong sinh hoạt.
Khác biệt với thoát vị, u cột sống có thể dẫn đến tình trạng liệt hoàn toàn và không có khả năng “tự khỏi”. Việc chẩn đoán u thường trễ hơn ở những người có tuổi vì triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với tình trạng thoái hóa thần kinh mãn tính hoặc khó khăn trong việc di chuyển do cảm giác đau khớp kéo dài.
Tìm hiểu thêm: Xoa bóp cho bệnh trầm cảm: Liệu pháp tự nhiên hỗ trợ làm giảm triệu chứng
Hơn nữa, chúng ta thường có xu hướng dựa vào những kinh nghiệm được truyền miệng và ít cập nhật thông cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, không đi lại được hẳn thì mới quyết định đi viện để các bác sĩ thăm khám.
U cột sống vẫn có thể điều trị nếu phát hiện kịp thời
PGS Hòa nhận định rằng, cột sống là trục chính và là giá đỡ quan trọng cho các cơ quan. Các khối u di căn thường xuất hiện ở khu vực này. Thông thường, các khối u lành tính sẽ ít gặp hơn u di căn và ung thư nguyên phát cột sống là trường hợp hiếm gặp nhất. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt giữa u nguyên phát và u di căn cột sống.
U di căn cột sống thường không rõ nguồn gốc và có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cột sống. Các đặc điểm về tổn thương nguyên phát đóng vai trò quan trọng khi điều trị u di căn cột sống. Vì vậy, khi gặp các tổn thương không rõ nguồn gốc, việc thực hiện sinh thiết sẽ giúp xác định phác đồ điều trị phù hợp.
Cần lưu ý rằng, các khối u ác tính trong cơ thể có liên quan một phần đến các tổn thương thứ phát của cột sống. Mục tiêu chính trong việc điều trị u di căn cột sống là giảm đau và bảo vệ chức năng cơ học, thần kinh của cột sống. Với khối u nguyên phát, mục tiêu điều trị là loại bỏ khối u và duy trì tính chất cơ học, thần kinh của cột sống.
>>>>>Xem thêm: So sánh nước muối sinh lý Fysoline và Physiodose loại nào tốt hơn?
Theo bác sĩ Trần Trung Kiên, nhiều bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt là u di căn xương cột sống cảm thấy không còn hy vọng và bất lực. Tuy nhiên, quan điểm “Phát hiện sớm, còn cơ hội” là quan trọng trong điều trị ung thư. Do đó, bệnh nhân ung thư cần nhớ rằng ung thư cột sống không phải là dấu chấm hết. Phẫu thuật mang đến cơ hội thứ hai để bạn tiếp tục cuộc sống và hoàn thành những mục tiêu còn đang dở dang.
Trên đây là tổng hợp những thông tin chia sẻ về u cột sống và thoát vị đĩa đệm. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích cũng như biết cách phân biệt giữa 2 bệnh để kịp thời thăm khám, có cách điều trị phù hợp nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể