Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp đang trở thành một công cụ hữu ích để giúp bác sĩ đánh giá, chẩn đoán, điều trị cũng như tiên lượng cho bệnh nhân mắc phải bệnh tim mạch, hô hấp. Đồng thời, đây cũng là một nghiệm pháp giúp đánh giá tình trạng hạn chế về khả năng gắng sức và mức độ suy giảm chức năng. Vậy đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì?

Bạn đang đọc: Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là một nghiệm pháp hữu ích được sử dụng trong chẩn đoán, đánh giá, điều trị và tiên lượng các bệnh lý tim mạch, hô hấp. Vậy đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Quy trình đo gắng sức tim mạch hô hấp như thế nào? Trong bài viết này, Kenshin sẽ giúp độc giả giải đáp những thắc mắc trên nhé!

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp có tên Tiếng Anh là Cardiopulmonary Exercise Testing (CPET).

Sự vận chuyển oxy đến các tổ chức mô trong cơ thể phụ thuộc phần lớn vào cung lượng, độ bão hòa oxy, nồng độ hemoglobin, trương lực mạch máu động mạch và mật độ của mạng lưới mạch máu. Ngưỡng gắng sức của một người có thể hiểu một cách đơn giản là khả năng tối đa của hệ thống hô hấp và tim mạch nhằm đáp ứng với việc tập luyện.

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là một bài kiểm tra nhằm đánh giá toàn diện về hệ thống tim mạch và hệ thống hô hấp trong thời điểm người bệnh nghỉ ngơi và trong lúc tập luyện gắng sức.

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào? 1

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp nhằm mục đích gì?

Đo CPET nhằm mục đích đánh giá các phản ứng của cơ thể khi gắng sức có liên quan đến hệ thống tuần hoàn, hô hấp và cơ xương. Từ đó giúp đánh giá các tình trạng hạn chế khi gắng sức chưa được đánh giá và chẩn đoán khách quan về khả năng gắng sức cũng như mức độ suy giảm chức năng.

Nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp được công nhận có giá trị chẩn đoán vượt trội hơn hẳn so với những nghiệm pháp khác trong việc phát hiện ra các bệnh lý về tim mạch hoặc hô hấp tiềm ẩn không thể phát hiện được trong lúc nghỉ ngơi. Việc chẩn đoán ra các bệnh lý đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng tránh nguy cơ đột tử trong lúc tập luyện.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra về tim mạch – hô hấp kết hợp với khí máu động mạch thông qua đo gắng sức tim mạch hô hấp rất hữu ích trong chẩn đoán và tiên lượng ở những người bệnh mắc đồng thời bệnh tim và bệnh phổi.

Ngoài ra, thông qua kết quả CPET, bệnh nhân sẽ biết được ngưỡng luyện tập phù hợp, an toàn của bản thân để có kế hoạch tập luyện và vận động phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình.

Đối tượng nào cần đo gắng sức tim mạch hô hấp?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp được chỉ định trong các trường hợp dưới đây:;

  • Đánh giá khả năng luyện tập tối đa và liên tục của một người bất kỳ.
  • Đánh giá ngưỡng gắng sức an toàn đối với những người có bệnh lý làm suy giảm khả năng vận động. Từ đó hướng dẫn người bệnh trước khi tham gia hồi phục chức năng hoặc có kế hoạch tập luyện trở lại.
  • Chẩn đoán về nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng khó thở khi gắng sức, hạn chế khi tập thể dục – thể thao hoặc bị giảm oxy máu khi gắng sức.
  • Đánh giá các nguy cơ trước một cuộc phẫu thuật lớn, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi.
  • Đánh giá chức năng của tim mạch ở người bệnh bị suy tim hoặc phẫu thuật tim.
  • Đánh giá chức năng hô hấp ở người bệnh bị bệnh COPD, bệnh mạch máu phổi, bệnh phổi mô kẽ, xơ phổi và các bệnh lý khác.
  • Xác định giới hạn tập luyện thể dục – thể thao là do tim hoặc phổi ở những bệnh nhân mắc cả bệnh tim và bệnh phổi.
  • Phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
  • Đánh giá mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị như phục hồi chức năng, nội khoa, phẫu thuật, cấy ghép…
  • Hướng dẫn và theo dõi khả năng tập luyện thể chất của các vận động viên.
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tham gia vào một chương trình tập luyện nào đó.

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào? 2

Đo CPET giúp đánh giá khả năng tập luyện tối đa của một người

Trước khi đo gắng sức tim mạch hô hấp cần chuẩn bị gì?

Bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây trước khi đo gắng sức tim mạch hô hấp, bao gồm:

  • Trong vòng 2 – 3 giờ trước khi thực hiện đo CPET thì người bệnh không được ăn uống gì thêm.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lá điện tử và thuốc lào vào ngày đo CPET.
  • Không sử dụng bia rượu hoặc đồ uống có chứa caffein vào ngày đo CPET.
  • Không làm việc gắng sức trong ít nhất 30 phút trước khi đo CPET.
  • Mang giày thể thao, mặc trang phục thoải mái và phù hợp cho vận động. Không mặc những bộ quần áo chật, bởi nó có thể gây hạn chế về hô hấp.
  • Mang theo kết quả xét nghiệm cận lâm sàng ở lần thăm khám gần nhất cùng với đơn thuốc đang sử dụng.
  • Vẫn tiếp tục dùng thuốc theo đơn kê nếu bác sĩ không có dặn dò gì khác.

Quy trình đo gắng sức tim mạch hô hấp như thế nào?

Dưới đây là quy trình đo CPET, cụ thể là:

Trước khi đo CPET

Trước khi đo gắng sức tim mạch hô hấp, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và kiểm tra một số xét nghiệm cận lâm sàng trước đây để đảm bảo người bệnh có đủ điều kiện thực hiện nghiệm pháp này.

Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích cho người bệnh về cách thực hiện CPET và giải đáp các thắc mắc mà bệnh nhân đưa ra.

Tìm hiểu thêm: Bệnh đau đầu Cluster là gì? Nguyên nhân gây bệnh đau đầu Cluster

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào? 3
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng trước khi cho bệnh nhân đo CPET

Trong quá trình đo CPET

Quá trình đo CPET sẽ diễn ra như sau:

  • Người bệnh cần bộc lộ vùng ngực, điều dưỡng viên sẽ gắn các điện cực lên ngực của bệnh nhân để theo dõi điện tim. Người bệnh có thể mặc áo do phòng khám cung cấp (nếu cần).
  • Gắn vòng bít để đo huyết áp lên bắp tay người bệnh.
  • Gắn mặt nạ che mũi miệng và người bệnh sẽ thở qua một chiếc đồng hồ đo lưu lượng có gắn ống. Đây là một thiết bị giúp phân tích khí thở O2 và CO2, đồng thời đo lường mức độ thở sâu và nhanh khi vận động.
  • Gắn máy đo oxy xung lên ngón tay, tai hoặc trán để đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2).
  • Máy đo sẽ thu thập các thông tin trong vòng 2 – 3 phút đầu tiên khi người bệnh đang trong trạng thái nghỉ ngơi.
  • Tiếp đó, điều dưỡng viên sẽ hướng dẫn người bệnh cách vận động (đạp xe hoặc chạy bộ trên máy chạy bộ) và cách dùng tín hiệu tay để giao tiếp khi vận động.
  • Bác sĩ sẽ theo dõi liên tục sự thay đổi của các thông số trên màn hình hiển thị.
  • Người bệnh sẽ được yêu cầu tập luyện với cường độ tăng dần trong 8 – 12 phút cho đến khi các chỉ số đạt ngưỡng hoặc khi sức chịu đựng của người bệnh đã đến giới hạn hoặc người bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau ngực, chóng mặt… thì sẽ nhận được tín hiệu dừng lại.
  • Lúc này, người bệnh không nên ngừng vận động một cách đột ngột mà nên tập luyện chậm dần lại rồi dừng hẳn.

Sau khi đo CPET

Sau khi ngừng vận động, người bệnh cần được nghỉ ngơi một lúc cho đến khi các thông số trở lại bình thường. Sau đó, điều dưỡng sẽ tháo bỏ tất cả các thiết bị ra khỏi người bệnh và bác sĩ sẽ giải thích về kết quả đo gắng sức tim mạch hô hấp.

Chống chỉ định của đo gắng sức tim mạch hô hấp

Có một số lý do mà người bệnh không thể thực hiện đo CPET được, bao gồm:

  • Mắc phải bệnh lý về cơ xương khớp không thể chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp.
  • Đang mắc các bệnh lý nội khoa cấp tính hoặc mãn tính chưa được kiểm soát như suy hô hấp, hen suyễn, suy tim, đau thắt ngực, viêm nội tâm mạc…
  • Gần đây bị nhồi máu cơ tim.
  • Tăng huyết áp chưa được kiểm soát hoặc nghiêm trọng.
  • Độ bão hòa oxy trong máu thấp.
  • Rối loạn nhịp tim chưa được kiểm soát và gây ra triệu chứng.
  • Người bệnh không hợp tác trong quá trình đo CPET.
  • Người bệnh đang bị nhiễm trùng cấp tính hoặc chấn thương gần đây.

Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì? Chỉ định và chống chỉ định như thế nào? 4

>>>>>Xem thêm: Thai máy ở vị trí nào? Cách đếm cử động thai máy

Đo gắng sức tim mạch hô hấp chống chỉ định đối với nhồi máu cơ tim gần đây

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ về nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp. Đo CPET có giá trị lớn trong chẩn đoán, đánh giá phản ứng của cơ thể khi gắng sức có liên quan đến hệ thống tim mạch, hô hấp và xương khớp.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *