Ngực là bộ phận thuộc phần trên cơ thể, có vai trò bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan quan trọng của cơ thể con người như tim, phổi, tuyến ức. Chụp X-quang ngực giúp bác sĩ dễ dàng quan sát các cấu trúc, cơ quan bên trong lồng ngực, có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi bệnh.
Bạn đang đọc: Chụp X-quang ngực giúp phát hiện bệnh gì? Quy trình chụp thế nào?
Việc phát hiện các bất thường, bệnh lý bên trong cơ thể không hề dễ dàng vì chúng ta không thể quan sát các bộ phận, cơ quan bên trong bằng mắt thường. Đánh giá các bệnh lý, tổn thương hay bất thường phát sinh bên trong lồng ngực cũng vậy. Để có thể quan sát, đánh giá, theo dõi, chẩn đoán các bất thường, tổn thương, bệnh lý ở các xương, mô và hệ cơ quan bên trong lồng ngực, bác sĩ thường chỉ định chụp X-quang ngực. Vậy chụp X-quang ngực phát hiện bệnh gì? Quy trình cụ thể ra sao?
Contents
Chụp X-quang ngực là gì?
Ngực nằm giữa bụng và cổ, bao gồm thành ngực, khoang ngực, chứa các cơ bắp, tim, phổi, tuyến ức và các cấu trúc khác bên trong. Kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực cho phép bác sĩ quan sát được những hình ảnh bên trong khoang ngực từ:
- Các loại xương như xương ngực, xương ức, xương sườn, xương cột sống, xương đòn, phần trên cột sống.
- Các hệ cơ quan bên trong lồng ngực như: Tim, phổi, mạch máu, mạch bạch huyết, đường thở.
Kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực được thực hiện trong phòng chụp X-quang chuyên biệt. Kỹ thuật này sử dụng một máy chụp X-quang với bóng phát tia X. Bệnh nhân được hướng dẫn đứng trước đầu thu đặc biệt hoặc tấm phim X-quang có khả năng ghi nhận hình ảnh phản ánh cấu trúc bên trong lồng ngực.
Chụp X-quang lồng ngực thường được bác sĩ chỉ định để tìm kiếm những bất thường bên trong lồng ngực của người bệnh. Đây cũng thường là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được chỉ định đầu tiên khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh về tim hay phổi.
Khi có các triệu chứng dưới đây, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp X-quang lồng ngực:
- Người bệnh bị ho kéo dài chưa rõ nguyên nhân.
- Người bệnh có triệu chứng ho ra máu.
- Cảm giác khó thở, thở hụt hơi.
- Bệnh nhân có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân.
- Người bệnh mới bị chấn thương và bị đau nặng.
- Người bệnh có tiền sử mắc bệnh về tim và nghi ngờ có biến chứng do bệnh tim.
- Người bệnh có các triệu chứng bệnh lao phổi, ung thư phổi hay các bệnh liên quan đến tim, phổi khác.
Chụp X-quang ngực giúp phát hiện bệnh gì?
Chụp X-quang ngực là cánh tay đắc lực giúp bác sĩ đánh giá được nhiều cơ quan, phát hiện nhiều bệnh liên quan đến các cơ quan trong lồng ngực như:
- Chụp X-quang lồng ngực có thể giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, ung thư phổi, xơ nang ở phổi hay các biến chứng liên quan đến những bệnh trên.
- Chụp X-quang phổi cũng cho thấy những vấn đề bất thường ở phổi liên quan đến tim như phù phổi do suy tim xung huyết.
- Đánh giá sự thay đổi về hình dạng và kích thước của tim từ đó làm căn cứ để bác sĩ chẩn đoán các bệnh như suy tim, bệnh về van tim hay phù phổi.
- Hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán các bệnh về mạch máu như phình động mạch chủ, dị tật tim bẩm sinh.
- Tình trạng tích tụ canxi trong mạch máu hay trong tim, gợi ý đến bệnh cơ tim, động mạch vành, hủy hoại van tim, bệnh liên quan đến các khoang bảo vệ quanh tim.
- Đánh giá tình trạng viêm phổi trước đó nếu bệnh nhân có dấu hiệu tích tụ canxi trong phổi.
- Phát hiện tình trạng gãy xương sống, xương sườn hay các xương khác thông qua hình ảnh chụp X-quang lồng ngực.
- Theo dõi quá trình phục hồi sau phẫu thuật tim, phổi, cuống họng… Phát hiện tình trạng rò khí hay tích tụ dịch lỏng, tích tụ khí nếu có.
- Chụp X-quang lồng ngực giúp đánh giá vị trí, hoạt động của các máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, ống thông…
Các tư thế chụp X-quang lồng ngực
Người bệnh được chỉ định chụp X-quang lồng ngực sẽ được hướng dẫn chụp theo các tư thế như sau:
Chụp X-quang tư thế thẳng
Ở tư thế này, bệnh nhân được đứng chụp từ sau ra trước. Nếu không thể đứng chụp, người bệnh được hướng dẫn chụp X-quang tư thế Fowler. Bệnh nhân không nên chụp ở tư thế nằm để tránh gây khó khăn trong chẩn đoán tình trạng tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi.
Chụp X-quang tư thế nghiêng
Tư thế này được áp dụng khi người bệnh có tổn thương nghi ngờ dạng khối, khó quan sát được trên phim chụp thẳng. Phim chụp nghiêng có thể phân vùng trung thất, định khu tổn thương vào thùy và phân thùy phổi. Nghi ngờ tổn thương ở bên nào sẽ chụp X-quang nghiêng bên đó.
Một phim chụp X-quang ngực được đánh giá là đẹp khi:
- Bệnh nhân có dáng đứng cân đối, tư thế phù hợp, không vẹo lệch. Trong phim chụp X-quang thấy khớp ức đòn 2 bên cân đối, 2 xương bả vai ra ngoài trường phổi. Hình ảnh phim X-quang được chụp khi người bệnh hít sâu.
- Phim có độ tương phản tốt, không quá trắng hoặc quá đen. Qua phim quan sát thấy được bóng 3, 4 đốt sống ngực của người bệnh. Để có được kết quả đó, kỹ thuật viên cần điều chỉnh để tia X có cường độ vừa phải, không quá non hoặc không quá già.
- Trên phim, hình ảnh thể hiện được hết trường phổi, không bị hụt lệch. Hình ảnh phía trên lấy được hết đốt sống cổ C6, hình phía dưới lấy được hết 2 vòm hoành. Hai bên căn chụp hết khung xương sườn và phần mềm ở thành ngực.
Tìm hiểu thêm: Chế độ ăn Keto: Giải pháp hữu hiệu cho người bệnh ung thư vú
Quy trình chụp X-quang ngực gồm những bước nào?
Nếu bệnh nhân nữ nghi ngờ đang mang thai hoặc biết mình đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ trước khi chụp X-quang. Trong trường hợp bắt buộc cần chụp X-quang, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp bảo vệ để giảm tối đa nguy cơ thai nhi bị ảnh hưởng bởi tia bức xạ.
Người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chụp X-quang lồng ngực. Nhiều bệnh nhân muốn biết chụp X-quang có cần cởi quần áo không? Để đảm bảo chất lượng hình ảnh rõ nét, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu người bệnh thay trang phục chuyên dụng theo quy định. Bệnh nhân nữ cần tạm thời cởi bỏ áo ngực và khoác chiếc áo chuyên dành cho người bệnh chụp X-quang. Các món trang sức, phụ kiện bằng kim loại cũng sẽ được tạm thời cởi bỏ để tránh làm nhiễu hình ảnh.
Các bước chụp X-quang ngực cụ thể như sau:
- Bệnh nhân được hướng dẫn đứng đúng tư thế. Một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân không thể đi lại sẽ được chụp bằng máy chụp X-quang di động (nếu có).
- Khi kỹ thuật viên tiến hành chụp, bệnh nhân cần giữ nguyên tư thế để tránh làm mờ ảnh chụp. Khi chụp, kỹ thuật viên có thể yêu cầu người bệnh nín thở trong vài giây.
- Kỹ thuật viên cần một chút thời gian để xử lý hình ảnh.
- Hình ảnh chụp X-quang được chuyển cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chỉ định chụp X-quang.
- Căn cứ vào thông tin và hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đánh giá, chẩn đoán bệnh. Nếu chưa đủ căn cứ để kết luận, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm khác.
>>>>>Xem thêm: Top 5 lợi ích tuyệt vời khi uống cà phê vào buổi sáng
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về kỹ thuật chụp X-quang ngực. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, chi phí rẻ nhưng hiệu quả. Vì vậy, khi được bác sĩ chỉ định, người bệnh nên hợp tác chụp X-quang sớm để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Xem thêm:
- Chụp X quang sọ não giúp phát hiện bệnh gì?
- Quy trình và lưu ý khi chụp X quang răng khôn
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể