Bướu cổ là căn bệnh xảy ra phổ biến ở phụ nữ với biểu hiện xuất hiện một khối u bất thường ở trước cổ. Vậy bệnh bướu cổ có nguy hiểm không và cách điều trị ra sao là những thắc mắc của nhiều người. Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không?
Bướu cổ là một bệnh lý về tuyến giáp thường gặp với tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao hơn nam giới. Vậy bệnh bướu cổ có nguy hiểm không? Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về bệnh và cũng có những biện pháp phòng tránh.
Contents
Bệnh bướu cổ là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, có hình cánh bướm, vị trí nằm ở phía trước giữa cổ. Nhiệm vụ của tuyến giáp là tạo các hormone quan trọng để kiểm soát hoạt động trao đổi chất và hoạt động của nhiều bộ phận khác trong cơ thể, giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm cho cơ thể,… Hai hormone tuyến giáp quan trọng được sản xuất và theo máu đi đến các mô khác nhau trong cơ thể đó là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).
Bệnh bướu cổ được hình thành do sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo ra một hoặc nhiều nhân trong tuyến giáp hay do sự gia tăng về kích thước của tuyến giáp khiến tuyến giáp tăng lên và sưng to bất thường.
Nguyên nhân gây ra bướu cổ
Bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị mắc bệnh bướu cổ, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Đa số bệnh bướu cổ là lành tính, đôi khi nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, làm tăng hoặc giảm hormone tuyến giáp hay làm thay đổi chức năng của tuyến giáp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bướu cổ, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất đó là do thiếu iốt từ chế độ ăn uống. Ngoài ra, có các nguyên nhân sau:
- Yếu tố di truyền;
- Sống trong vùng thiếu i-ốt;
- Bệnh Graves;
- Suy giáp bẩm sinh;
- Viêm tuyến giáp.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bướu cổ gồm:
- Phụ nữ: Đối tượng có nguy cơ bị bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác, nhất là phụ nữ trong thời kỳ mang thai và mãn kinh.
- Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị bướu cổ hoặc rối loạn tuyến giáp sẽ nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thuốc: Một số loại thuốc như Amiodarone, Pacerone, Lithobid,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
- Tiếp xúc bức xạ: Bệnh nhân từng xạ trị ở vùng cổ hoặc ngực có nguy cơ bị bướu cổ.
Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không?
Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không còn tùy vào loại bướu để có thể xác định những nguy hiểm nhất định. Đa phần bướu cổ là lành tính và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên khi bướu cổ lành tính có kích thước lớn, có thể dẫn đến những tổn thương về mặt thần kinh như liệt dây thần kinh Phrenic, liệt dây thần kinh thanh quản tái phát hoặc hội chứng Horner,…
Những thương tổn này sẽ dần biến mất sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Ngoài ra, với kích thước quá lớn, tuyến giáp sẽ gây chèn ép ở vùng cổ, làm ảnh hưởng đến thực quản gây khó nuốt khi ăn uống, ảnh hưởng đến thanh quản.
Đối với bướu cổ ác tính (hay còn gọi là ung thư bướu cổ), ở những giai đoạn sớm bệnh khó phát hiện bởi triệu chứng không cụ thể. Hầu hết các trường hợp bướu cổ ác tính chỉ được phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ và được chỉ định siêu âm, chụp CT, MRI vùng cổ. Trong trường hợp không kịp thời phát hiện và điều trị, bướu có thể phát triển rất nhanh và to lên nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh bướu cổ ác tính ở những giai đoạn trễ, khối u thường phát triển to và cứng gây ra chèn ép nặng nề lên vùng cổ khiến người bệnh bị khàn tiếng nặng, khó nuốt, khó thở, sậm màu da ở vùng cổ, đôi khi còn bị chảy máu. Khi không được phát hiện và điều trị sớm, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên người bệnh cũng đừng quá lo lắng hay suy nghĩ tiêu cực bởi bệnh ung thư tuyến giáp vẫn có khả năng điều trị khỏi nếu được can thiệp điều trị sớm.
Ngoài ra, người bị bướu tuyến giáp có thể gây ra những rối loạn về chức năng nội tiết như suy giáp hay cường giáp biểu hiện ra bên ngoài với những triệu chứng như mệt mỏi, kiệt sức, sụt cân hoặc tăng cân, tăng nhiệt độ cơ thể, run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ, rụng tóc, đổ nhiều mồ hôi, đôi khi có thể bị ngất xỉu.
Tuy nhiên có nhiều bệnh lý cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự. Vì vậy để xác định chính xác nguyên nhân người bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, làm xét nghiệm và được đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Dấu hiệu nhận biết bệnh bướu cổ
Khi cơ thể xuất hiện những bất thường, đặc biệt là bất thường ở vùng cổ thì có thể nghi ngờ bạn đang gặp vấn đề ở tuyến giáp. Khi cổ có dấu hiệu to ra hoặc cơ thể cảm thấy bất thường như khàn tiếng, khó nuốt, khó thở, ho khan,… người bệnh nên đi khám để được thực hiện các xét nghiệm xác định. Thông thường bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp ảnh vùng cổ để kiểm tra tình trạng tuyến giáp.
Để chẩn đoán phân biệt là bướu lành hay bướu ác, người bệnh sẽ được chỉ định chọc hút tế bào để thu được mẫu bệnh phẩm. Sau đó sẽ tiến hành quan sát hình dạng dưới kính hiển vi để đánh giá về hình dạng cũng như cách sắp xếp của tế bào, từ đó xác định chính xác là u lành hay u ác tính.
Tìm hiểu thêm: Garcinia Cambogia là gì và có tác dụng gì?
Trong một vài trường hợp đặc biệt, cần thực hiện kỹ thuật “cắt lạnh” trong lúc phẫu thuật để khẳng định chính xác bản chất của tế bào là lành tính hay ác tính. Đối với phương pháp này yêu cầu kỹ thuật chuyên môn cao, cần được tiến hành ở những cơ sở y tế uy tín, được trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.
Cách điều trị bệnh bướu cổ
Có nhiều loại bướu cổ và mỗi loại sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Đối với bướu cổ lành tính với nhân giáp nhỏ không có triệu chứng trên lâm sàng thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ nội tiết để theo dõi chặt chẽ diễn tiến của bệnh. Khi bướu cổ lành tính nhưng bị tăng kích thước, gây chèn ép vùng cổ, ảnh hưởng đến người bệnh gây khó thở, khó nuốt,… lúc này có thể can thiệp bằng thuốc, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật tùy trường hợp.
Những phương pháp điều trị bướu cổ lành tính phổ biến nhất bao gồm:
- Nội khoa: Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh mà có bệnh bướu cổ lành tính sẽ được điều trị bằng các loại thuốc khác nhau theo chỉ định của bác sĩ.
- Phẫu thuật: Tùy tình trạng của bướu cổ lành tính và kích thước mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt thùy, cắt giáp toàn phần, cắt giáp gần trọn hoặc cắt eo giáp.
- Theo dõi: Trường hợp bướu lành tính, kích thước nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì bệnh nhân có thể không cần phải điều trị mà chỉ theo dõi, tái khám định kỳ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đi khám ngay nếu có bất kỳ thay đổi bất thường trong cơ thể.
Trong trường hợp bướu cổ ác tính cần được điều trị ngay sau khi phát hiện. Thông thường người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, sau đó sẽ dùng thuốc hoặc phối hợp phương pháp iốt phóng xạ, xạ trị để điều trị.
>>>>>Xem thêm: Bột đánh răng là gì và một số sản phẩm phổ biến hiện nay
Với trường hợp bướu cổ do cường giáp cũng cần được điều trị ngay. Ban đầu bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc và theo dõi một thời gian, thuốc được khuyến cáo sử dụng đó là thuốc chẹn beta để giảm bớt triệu chứng cho người bệnh đồng thời bảo vệ chức năng của tim mạch. Nếu cường giáp vẫn không ổn định, dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật hoặc cũng có thể điều trị kết hợp cả 3 phương pháp.
Vậy bệnh bướu cổ có nguy hiểm không? Có thể nói bướu cổ lành tính không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó khăn cho người mắc bệnh và có triệu chứng chèn ép, khó thở, bướu lớn nhanh,… Để bảo vệ cơ thể, đặc biệt bảo vệ tuyến giáp, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dưỡng chất, sinh hoạt khoa học, tập luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ, có thể sử dụng thêm một số sản phẩm thiên nhiên để nâng cao sức đề kháng của bản thân, phòng ngừa bệnh bướu cổ tốt nhất.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể