Áp xe cạnh hậu môn là bệnh lý nhiễm trùng, viêm nhiễm tích tụ mủ thường gặp ở vùng hậu môn, trực tràng. Bệnh gây ra các khối viêm, sưng tấy đỏ, đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Việc tìm hiểu áp xe cạnh hậu môn là gì giúp người bệnh có thể những kiến thức về bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.
Bạn đang đọc: Áp xe cạnh hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Áp xe cạnh hậu môn thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh đặc biệt là mụn nhọt. Đây là bệnh lý viêm nhiễm xảy ra ở vùng da quanh hậu môn, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người mắc bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, khó chịu, mất tập trung, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh, việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến áp xe hậu môn là gì là điều cần thiết.
Contents
Áp xe cạnh hậu môn là gì?
Áp xe cạnh hậu môn là hiện tượng niêm mạc da xung quanh vùng hậu môn – trực tràng bị viêm nhiễm, tụ mủ và theo thời gian sẽ tạo thành các khối áp xe cứng, sưng tấy, đỏ, gây đau và rất khó chịu cho người bệnh. Nếu để lâu, khối áp xe lớn dần lên đến một lúc nhất định sẽ bị vỡ ra, chảy nhiều mủ và dịch ra bên ngoài gây khó chịu và phiền phức đến cuộc sống sinh hoạt thông thường của người bệnh.
Áp xe cạnh hậu môn được chia thành năm loại: Áp xe niêm mạc, áp xe giữa cơ thắt, áp xe dưới da, áp xe hố ngồi – trực tràng và áp xe chậu hông trực tràng.
Triệu chứng của áp xe cạnh hậu môn
Người bị áp xe cạnh hậu môn có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Xuất hiện các khối sưng tấy: Bạn đầu, khi khối sưng tấy tạo thành sẽ khiến vùng da tại vị trí đó bị đổi màu, sưng, tấy đỏ, nóng ran và căng bóng. Tiếp theo đó sẽ xuất hiện thêm nhiều khối sưng tấy khác gây căng tức và khó chịu ở vùng hậu môn.
- Chảy mủ: Một khoảng thời gian sau, khi các khối sưng tấy căng và to dần sẽ bị vỡ ra, chảy nhiều mủ ra ngoài. Vết thương hở đó rất khó lành và dễ bị tái phát, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng rò hậu môn.
- Đau nhức, ngứa vùng hậu môn: Đây là các biểu hiện cụ thể của áp xe cạnh hậu môn. Khi các khối áp xe mưng mủ, sưng tấy sẽ gây đau đớn, khó khăn trong đi lại và đứng ngồi. Nếu dịch của ổ áp xe chảy ra ngoài, gây viêm nhiễm, kích ứng da vùng quanh hậu môn từ đó gây ra triệu chứng ngứa, rát, khó chịu.
- Sốt: Khi ở giai đoạn nặng, các ổ áp xe lan rộng gây viêm nhiễm nhiều vùng, người bệnh có thể bị sốt.
Ngoài ra, người bị áp xe cạnh hậu môn còn xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, miệng đắng, mất ngủ, đi ngoài phân có dịch nhầy,…
Biến chứng của áp xe cạnh hậu môn
Nếu các ổ áp xe không được xử lý và điều trị phù hợp, bệnh có thể tiến triển nặng hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cụ thể như sau:
- Bệnh rò hậu môn: Nếu khối áp xe để lâu không được xử lý sẽ bị vỡ ra, chảy mủ ra bên ngoài có thể hình thành nên bệnh rò hậu môn nguy hiểm cho người bệnh.
- Đại tiện khó khăn: Người bệnh bị đau rát, khó chịu mỗi lần đi ngoài. Khi tình trạng này kéo dài có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn như nứt kẽ hậu môn, hẹp hậu môn, bệnh trĩ,…
- Những ổ áp xe cạnh hậu môn tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn, bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm nang lông quanh hậu môn: Khi dịch mủ từ ổ áp xe chảy ra vùng quanh hậu môn có thể gây kích thích lên vùng mao nang dẫn đến tình trạng viêm nang lông.
- Ổ áp xe cạnh hậu môn tái phát.
- Tâm lý lo lắng, mất tự tin, dễ nổi cáu, khó chịu, chất lượng cuộc sống bị giảm sút, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như công việc.
- Ung thư hậu môn – trực tràng: Khi áp xe cạnh hậu môn kéo dài có thể là nguyên nhân kích thích các tế bào ung thư trực tràng phát triển gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây ra áp xe cạnh hậu môn
Nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến áp xe cạnh hậu môn:
Vệ sinh vùng hậu môn không sạch sẽ
Vị trí này là nơi tập trung cực kỳ nhiều vi khuẩn, nếu không vệ sinh sạch sẽ thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể gây sưng tấy, viêm nhiễm, mưng mủ tại vùng niêm mạc bị nhiễm khuẩn.
Khó đại tiện
Khi đại tiện khó, người ta thường dùng nhiều sức để rặn đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây ra sự chèn ép đến các tĩnh mạch xung quanh, gây ra tổn thương ống hậu môn, viêm nhiễm, tụ mủ quanh hậu môn và tạo thành các ổ áp xe.
Mắc các bệnh lý vùng hậu môn – trực tràng
Khi mắc các bệnh tổn thương hậu môn như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn… kết hợp với môi trường ẩm ướt tại vùng này là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây hại sinh sản để gây ra các ổ áp xe.
Tìm hiểu thêm: Vắc xin uốn ván tiêm mấy mũi?
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc điều trị các bệnh lý hậu môn – trực tràng có thể gây kích ứng, viêm nhiễm và hình thành các ổ áp xe.
Biến chứng do phẫu thuật
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt trĩ hoặc làm phẫu thuật một số bệnh đường hậu môn, trực tràng mà không có chế độ chăm sóc hậu phẫu đúng cách thì rất dễ bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng vết mổ ở cấp độ nặng sẽ dẫn đến bệnh áp xe cạnh hậu môn.
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác: Táo bón, kiết lị, quan hệ tình dục bằng hậu môn, người có hệ miễn dịch kém, phụ nữ sau sinh…
Những biện pháp điều trị áp xe cạnh hậu môn
Điều trị nội khoa
Phương pháp này thường áp dụng trong các trường hợp viêm cạnh hậu môn và ổ áp xe chưa tạo mủ. Các loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng như:
- Thuốc kháng sinh (loại có kháng sinh phổ rộng phối hợp với kháng sinh kỵ khí);
- Thuốc hạ sốt;
- Thuốc kháng viêm,
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống táo bón.
Trong trường hợp người bệnh có sức khỏe bị giảm sút, bác sĩ có thể sẽ chỉ định truyền dịch để bổ sung dưỡng chất.
Bệnh nhân cần lưu ý, khi điều trị nội khoa quan trọng nhất đó là sự tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Người bệnh nên hạn chế tập luyện thể thao quá sức, không làm việc nặng, không đi bơi ảnh hưởng đến vết thương.
Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ và đúng cách là điều bắt buộc. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mềm, giàu protein và vitamin để hỗ trợ việc tiêu hoá tốt hơn. Không nên quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
>>>>>Xem thêm: Đau đầu sét đánh: Nguyên nhân và các triệu chứng phổ biến
Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp ổ áp xe lớn, bệnh nhân cần được phẫu thuật trực tiếp để điều trị. Phẫu thuật thường được chỉ định để tháo mủ, nạo sạch ổ áp xe hoặc dẫn lưu ổ mủ. Người bệnh sẽ được tái khám sau một tháng phẫu thuật để đánh giá tình trạng ổ áp xe, liệu tình trạng rò hậu môn có được hình thành không, có biến chứng gì xuất hiện không và sẽ được đưa ra kế hoạch theo dõi sau phẫu thuật.
Áp xe cạnh hậu môn là bệnh lý phổ biến, xảy ra tại vùng da quanh hậu môn. Tình trạng này thường gây đau đớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể