Các đặc điểm của nước tiểu, bao gồm mùi và màu sắc có ảnh hưởng nhất định đến việc chẩn đoán nhiều bệnh lý, tình trạng sức khỏe nhất định. Trong bài viết hôm nay, Kenshin sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về các tính chất của nước tiểu liên quan đến sức khỏe.
Bạn đang đọc: Mùi và màu sắc nước tiểu liên quan mật thiết đến sức khỏe của bạn
Nước tiểu không chỉ giúp cơ thể đào thải chất dư thừa ra khỏi cơ thể mà còn là đối tượng thể hiện nhiều vấn đề sức khỏe và bệnh lý, đặc biệt là bệnh liên quan đến hệ thống bài tiết. Để hiểu hơn về mùi, màu sắc nước tiểu và sức khỏe, Kenshin mời bạn tham khảo thông tin sau.
Contents
Màu của nước tiểu nói lên điều gì về sức khỏe?
Với người khỏe mạnh nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt đến màu vàng. Màu sắc của nước tiểu thực chất bắt nguồn từ sắc tố urochrome và nước tiểu không màu xuất hiện khi bạn uống nhiều nước hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu. Nước tiểu có màu nâu hoặc màu mật ong rất đậm khả năng cao là do mất nước hoặc cảnh báo các vấn đề về gan.
Nhìn chung, màu sắc của nước tiểu thể hiện nhiều khía cạnh về sức khỏe của cơ thể nên bạn cần theo dõi thường xuyên và đi khám nếu tình trạng nước tiểu màu nâu đậm không thuyên giảm kể cả khi đã uống nhiều nước hơn. Các màu sắc thể hiện nước tiểu bất thường bao gồm:
Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ: Một số thực phẩm có màu như cà rốt, quả mâm xôi, củ cải đường, cây đại hoàng có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng lạ thường. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh rifamycin hoặc thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có phenazopyridine cũng có thể làm màu nước tiểu thay đổi. Nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng cũng có thể do có máu lẫn trong nước tiểu, dấu hiệu bệnh thận, nhiễm trùng tiểu hoặc các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt, các khối u.
Nước tiểu màu cam: Nước tiểu có màu cam có thể do bạn đã sử dụng vitamin B2 liều cao hoặc uống thuốc chống UTI phenazopyridine, thuốc kháng sinh chứa isoniazid. Nước tiểu màu cam cũng có thể là dấu hiệu cơ thể đang bị mất nước hoặc gặp vấn đề về gan và ống mật.
Nước tiểu màu xanh lam hoặc xanh lục: Khả năng cao là do thuốc nhuộm, màu thực phẩm trong thức ăn hoặc các loại thuốc chữa bệnh như propofol, thuốc dị ứng, thuốc hen suyễn promethazine. Bên cạnh đó cũng có một vài bệnh lý khiến nước tiểu chuyển sang màu xanh lam hoặc xanh lục.
Nước tiểu có bọt: Đây là dấu hiệu nhận biết có protein trong nước tiểu và cảnh báo vấn đề về thận giai đoạn sớm.
Mùi của nước tiểu có liên quan đến bệnh lý không?
Nước tiểu thường không có mùi quá nặng nhưng việc tiêu thụ một số thực phẩm giàu lưu huỳnh, điển hình như măng tây có thể làm mùi của nước tiểu thay đổi nặng hơn, cụ thể là bạn có thể ngửi thấy mùi amoniac nồng nặc hơn trong nước tiểu.
Việc tiểu rát đi kèm tình trạng nước tiểu có mùi lạ là dấu hiệu bạn cần chú ý vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu, đái tháo đường, nhiễm trùng bàng quang hoặc các bệnh chuyển hóa.
Bình thường đi tiểu mấy lần một ngày?
Đa số mọi người thường đi tiểu tối đa khoảng 8 lần/ngày và con số này còn thay đổi tùy theo chế độ ăn uống và tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định. Phụ nữ mang thai và người lớn tuổi thường có xu hướng đi tiểu nhiều hơn người bình thường. Việc đi tiểu nhiều lần có thể là triệu chứng nhận biết bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lý liên quan đến thận, bệnh tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, viêm âm đạo ở nữ giới hoặc bệnh lý viêm bàng quang kẽ.
Thường xuyên đi tiểu đột ngột và thỉnh thoảng không thể vào nhà vệ sinh kịp thời cũng là dấu hiệu bất thường, đặc biệt là bàng quang tăng hoạt. Tình trạng này phổ biến ở đàn ông và phụ nữ lớn tuổi nhưng không phải một phần của quá trình cơ thể lão hóa.
Nếu gặp bất thường về số lần đi tiểu trong ngày dù không mang thai, không mắc bệnh và tình trạng này kéo dài nhiều ngày thì tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ để tiến hành thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và tiến hành chữa trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng
Nước tiểu có cặn có sao không?
Một trong những tình trạng thường gặp nhất khi quan sát nước tiểu, đó là nước tiểu có cặn. Theo các bác sĩ, vấn đề này có liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Thực phẩm: Màu sắc và trạng thái của nước tiểu có liên quan trực tiếp đến thực phẩm mà bạn dung nạp vào cơ thể. Nếu bạn ăn quá nhiều thức ăn có chứa vitamin D hoặc phốt pho sẽ khiến nước tiểu xuất hiện cặn bởi lượng phốt pho dư thừa được cơ thể đào thải thông qua nước tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho nước tiểu có cặn. Đặc trưng của bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu là xuất hiện vi khuẩn trong nước tiểu đi kèm với đó là các triệu chứng như tiểu rát, nước tiểu có mùi,… Người mắc bệnh có thể nhận thấy nước tiểu có cặn, có mủ hoặc lẫn máu bất thường.
Nhiễm trùng thận: Đây cũng là một tác nhân làm cho nước tiểu có cặn, thường khởi phát từ nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng không được điều trị triệt để khiến vi khuẩn lan rộng hơn. Người bị nhiễm trùng thận có thể nhận thấy các dấu hiệu như mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, đau lưng, buồn nôn, nôn ói,…
Tiểu dưỡng thấp: Tình trạng rò rỉ lưu thông tự hệ bạch mạch đến thận dẫn đến bệnh tiểu dưỡng thấp. Dấu hiệu của bệnh phổ biến nhất là nước tiểu có cặn, màu sắc nước tiểu đục như nước vo gạo hoặc sữa, có kèm theo váng mỡ và dưới đáy nước tiểu có lắng lại một lớp keo trắng như mỡ đông.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ nước tiểu có cặn, điển hình như thuốc bổ sung vitamin B, vitamin C, thuốc chữa bệnh tiểu đường,… hoặc bất cứ loại thuốc nào khác có chứa hàm lượng phốt pho cao.
>>>>>Xem thêm: Những lầm tưởng về chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống
Trên đây là một số thông tin bệnh lý, vấn đề sức khỏe liên quan đến nước tiểu mà Kenshin muốn chia sẻ đến bạn đọc, mong rằng có thể giúp ích cho bạn. Nếu nhận thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào khi đi tiểu bạn cũng cần chú ý theo dõi và đến bệnh viện nếu tình trạng này không thuyên giảm.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể