Đặt stent đường mật là một phương pháp thường được áp dụng trong việc điều trị tắc nghẽn ống mật ở cả trong và ngoài gan. Stent có thể là ống bằng nhựa tổng hợp hoặc kim loại, bác sĩ sẽ tiến hành đưa stent vào đường mật để giảm thiểu tình trạng chít hẹp trong ống mật. Vậy quy trình đặt stent đường mật diễn ra như thế nào?
Bạn đang đọc: Đặt stent đường mật là gì? Quy trình đặt stent đường mật
Bài viết sẽ đi sâu vào quy trình đặt stent đường mật và giải thích cơ chế của phương pháp này trong việc giảm tắc nghẽn ống mật. Đồng thời tìm hiểu những ưu điểm và rủi ro mà quá trình này có thể mang lại cho cơ thể. Hãy cùng khám phá phương pháp hiệu quả giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bớt các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường mật bạn nhé!
Contents
Tổng quan về phương pháp đặt stent đường mật
Tìm hiểu về tình trạng tắc nghẽn đường mật
Mật được sản xuất bởi gan, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo của cơ thể. Nó được bài tiết qua các ống mật và sau đó được lưu trữ trong túi mật. Quá trình bài tiết mật được kiểm soát bởi cơ vòng (cơ Oddi), tiếp giáp giữa ống mật chủ và ruột non (tá tràng).
Tắc nghẽn đường mật xảy ra khi việc chuyển dịch mật từ gan xuống ruột non bị cản trở trong ống mật. Điều này dẫn đến việc mật không thể lưu thông một cách bình thường gây ra tình trạng tắc mật. Mật bị ứ lại ở gan gây vàng da, xơ gan (do tế bào gan bị phá hủy và thay thế bằng mô sẹo). Sẹo trong gan gây cản trở dòng máu, gây hủy hoại tế bào gan và thúc đẩy quá trình hình thành sẹo nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, tắc nghẽn ống mật còn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, chức năng giải độc, gây tổn thương cho các cơ quan cận, đồng thời tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Nguyên nhân chính gây hẹp đường mật bao gồm các bệnh lý như ung thư tụy, ung thư túi mật, ung thư gan, ung thư đại tràng, tổn thương đường mật sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật, viêm tụy, viêm xơ đường mật nguyên phát, sỏi túi mật, chấn thương bụng và các biến chứng sau xạ trị.
Phương pháp đặt stent đường mật
Phương pháp đặt stent đường mật nhằm dẫn lưu mật ra ngoài hoặc vào trong tá tràng. Thủ thuật dẫn lưu mật ra ngoài được xem là đơn giản và chi phí thấp, tuy nhiên có nhược điểm là làm mất dịch mật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngược lại, việc dẫn lưu mật vào trong tá tràng được xem là phương pháp ưu việt hơn, có khả năng tránh được những hạn chế trên. Vì vậy, phương pháp dẫn lưu mật trong tá tràng đang được ứng dụng phổ biến hiện nay.
Stent đường mật là một ống nhỏ, mảnh được sử dụng để mở rộng phần bị chít hẹp của đường mật. Ống stent có thể được làm từ nhựa tổng hợp hoặc kim loại. Việc đặt stent kim loại thường bao gồm một lồng kim loại có tính năng tự nở. Khi đi qua da, đường kính của nó khá nhỏ, nhưng khi được thả vào đường mật, nó sẽ mở rộng để có đường kính lớn hơn, đạt tới khoảng 10mm.
Có hai loại stent kim loại tự nở là không che phủ và che phủ, trong đó loại che phủ giúp gia tăng thời gian lưu thông của stent, nhưng chi phí cao, đường kính qua da lớn hơn đồng thời lòng stent không thông với các đường mật đổ vào vùng stent được che phủ.
Quy trình đặt stent đường mật diễn ra như thế nào?
Chuẩn bị trước khi tiến hành đặt stent đường mật
Bệnh nhân sẽ được thông báo về việc cần kiêng ăn uống ít nhất 6 giờ trước quá trình đặt stent đường mật. Điều này đảm bảo rằng dạ dày và tá tràng của bệnh nhân sẽ ở trạng thái trống rỗng, không chứa thức ăn.
Bệnh nhân cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ về các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình tiến hành đặt stent.
Nếu không có tiền sử dị ứng với chất iod trong thuốc cản quang, bệnh nhân có thể yên tâm chuẩn bị cho quá trình điều trị.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi thực hiện quá trình đặt stent đường mật và có thể tiếp tục sử dụng trong vài ngày sau đó để đảm bảo ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.
Thực hiện đặt stent đường mật
- Tiến hành chọc đường mật qua da dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Đặt đường can thiệp, thường sử dụng loại 5F.
- Dưới sự hướng dẫn của màn tăng sáng hoặc máy chụp mạch DSA, bác sĩ đưa dây dẫn qua lỗ hẹp xuống tá tràng. Đây là bước thao tác quan trọng quyết định đến thành công của thủ thuật. Khi này, bác sĩ thực hiện phối hợp giữa dây dẫn ái nước và ống thông để đi qua vị trí bị đường mật bị tắc nghẽn.
- Sau khi ống thông đi qua vị trí tắc nghẽn, thông xuống tá tràng, bác sĩ thay dây dẫn ái nước bằng dây dẫn cứng Amplatz, thay đường vào can thiệp phù hợp với yêu cầu của stent (cụ thể, với stent che phủ có đường kính 10mm thì đường vào can thiệp có thể phải là loại 10F). Bác sĩ sẽ đưa stent qua da bệnh nhân, theo dây dẫn cứng Amplatz đi qua vùng hẹp của đường mật. Chiều dài của stent phải lớn hơn vị trí hẹp ống mật nhưng không nên dài quá vì có thể gây tắc nghẽn các nhánh mật bên trong ống mật. Cần lựa chọn stent kích thước phù hợp với tổn thương nếu sử dụng dạng stent che phủ.
- Đặt đường dẫn lưu mật ra ngoài nhằm theo dõi và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ống dẫn lưu sẽ được rút sau 24 giờ nếu không có biến chứng chảy máu và lưu thông mật xuống tá tràng diễn ra ổn định.
Tìm hiểu thêm: Bật mí cách giảm nhẹ các triệu chứng bệnh cảm cúm
Những lưu ý khi đặt stent đường mật
Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị như thế nào?
Bác sĩ theo dõi chặt tình hình sức khỏe của bệnh nhân để phát hiện kịp thời mọi biến chứng có thể xuất hiện, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý ngay lập tức.
Sau khi thực hiện đặt stent đường mật xuyên gan qua da, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm nghiêng về phía bên phải ít nhất 6 giờ, nhằm giảm nguy cơ chảy máu.
Quá trình tái khám nên được thực hiện theo đúng lịch hẹn được bác sĩ đề xuất. Điều này giúp bác sĩ kiểm tra hoạt động của stent, phát hiện sớm các triệu chứng tái phát hẹp đường mật (nếu có), như thay đổi màu của phân và nước tiểu, da bắt đầu biến màu thành màu vàng, cảm giác ngứa da, cũng như bất thường trong các xét nghiệm chức năng gan.
Những lợi ích và nguy cơ khi đặt stent đường mật
Lợi ích của việc đặt stent đường mật:
- Giải quyết nguyên nhân tắc nghẽn đường mật, hỗ trợ cải thiện quá trình lưu thông dịch mật.
- Là kỹ thuật ít xâm lấn, mang lại hiệu quả điều trị an toàn và ít gây tổn thương cho bệnh nhân.
- Nguy cơ tai biến và biến chứng thấp.
- Thời gian nằm viện ngắn: Bệnh nhân có thể hoạt động, ăn uống ngay sau quá trình đặt stent, và nhanh chóng phục hồi.
>>>>>Xem thêm: Yoga trẻ em là gì? Những lợi ích bất ngờ mà yoga đem lại cho trẻ
Rủi ro khi đặt stent đường mật:
- Có thể xuất hiện các biến chứng như sốt, đau sau khi đặt stent.
- Ống túi mật có thể bị tắc do stent, gây đau bụng, sốt. Tình trạng này thường xảy ra khi vị trí ống túi mật đổ vào ống mật chủ bị tắc nghẽn, gây nhiễm trùng túi mật và viêm túi mật cấp.
- Trong một số trường hợp hiếm, đặt stent đường mật có nguy cơ gây viêm tụy cấp hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn đã có những thông tin hữu ích về phương pháp đặt stent đường mật. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng tắc nghẽn đường mật. Với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, quy trình đặt stent đường mật không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân. Mặc dù có một số rủi ro, nhưng chúng thường rất hiếm và có thể theo dõi, xử lý kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể