Phù phổi cấp: Cơ chế gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Phù phổi cấp là một tình trạng cấp cứu cần được nhận biết sớm và xử trí kịp thời nếu không sẽ dẫn đến tử vong. Nhiều bệnh nhân hoặc người nhà được bác sĩ chẩn đoán phù phổi cấp rất hoang mang lo lắng. Vậy phù phổi cấp là gì và cơ chế gây ra tình trạng này ra sao?

Bạn đang đọc: Phù phổi cấp: Cơ chế gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Oxy muốn được hồng cầu vận chuyển đến các tế bào thì cần có sự trao đổi giữa phế nang của phổi và mao mạch của mạch máu phổi. Phù phổi cấp là tình trạng bên trong phế nang phổi chứa đầy dịch, nguyên nhân thường do tăng áp lực thủy tĩnh mao mạch phổi (là áp suất mà máu mao mạch tác động lên thành mạch) làm thoát dịch quá mức ra khỏi lòng mao mạch vào mô kẽ (là khoảng giữa các phế nang). Phù phổi cấp làm giảm trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, làm giảm oxy máu dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Cơ chế và nguyên nhân của bệnh phù phổi cấp

Phù phổi cấp còn được gọi là ngạt thở cấp, đây là kết quả của quá trình đáp ứng mà cơ thể không kiểm soát được, xảy ra do ứ dịch trong lòng phế nang phổi và trong khoảng kẽ. Tình trạng này thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:

  • Phù phổi huyết động.
  • Tổn thương màng phế nang mao mạch.
  • Suy giảm chức năng hệ bạch mạch, hay còn gọi là hệ bạch huyết.
  • Vô căn, không rõ cơ chế.

Phù phổi cấp: Cơ chế, chẩn đoán và điều trị 1

Cơ chế gây ra phù phổi cấp

Thông thường, phù phổi thường gặp nhất là phù phổi huyết động trên những bệnh nhân có bệnh lý ở tim, thường là suy tim. Cơ chế phù phổi huyết động do tim như sau:

  • Tăng áp lực thủy tĩnh thứ phát do tăng áp lực tĩnh mạch phổi.
  • Lượng dịch vượt quá khả năng cân bằng của hệ bạch huyết.
  • Thể tích dịch trong mô kẽ tăng lên và cuối cùng tràn ngập vào phế nang.

Các giai đoạn của phù phổi cấp

Bệnh phù phổi cấp thường sẽ diễn tiến qua các giai đoạn sau đây:

  • Giai đoạn 1 – giai đoạn mao mạch: Tăng lượng dịch trao đổi qua màng phế nang mao mạch. Dịch thoát ra mô kẽ được hệ bạch huyết dẫn lưu đi hết.
  • Giai đoạn 2 – giai đoạn kẽ: Khi dịch thoát ra mô kẽ quá nhiều, dẫn đến quá khả năng vận chuyển, dẫn lưu của hệ bạch huyết, dịch bắt đầu ứ đọng lại ở mô kẽ lỏng lẻo.
  • Giai đoạn 3 – giai đoạn phế nang: Khi lượng dịch ứ đọng lại mô kẽ quá lâu, lượng dịch sẽ thấm, tràn vào mô kẽ bên dưới lòng phế nang (giai đoạn 3a). Lượng dịch có thể chứa trong mô kẽ khoảng 500ml. Khi quá giới hạn, dịch sẽ ngập tràn vào phế nang gây phù phổi.

Trên lâm sàng, phù phổi cấp chính là giai đoạn phế nang với biểu hiện là suy tim trái và suy hô hấp. Suy tim trái sẽ gây ra tăng áp lực nhĩ trái, tăng áp lực tĩnh mạch, và tăng tính thấm mao mạch phổi, hậu quả là ứ dịch vào phế nang khiến cho sự trao đổi khí bị cản trở và dẫn đến suy hô hấp.

Triệu chứng phù phổi cấp

Khi bị phù phổi cấp, người bệnh sẽ có một số triệu chứng dưới đây:

  • Khó thở đột ngột: Khi nghỉ ngơi người bệnh phải ngồi dậy để thở, ngủ ngồi, môi tím tái, thở khó khăn, gắng sức, nhịp thở > 25 lần/phút, suy hô hấp.
  • Lo lắng, hồi hộp, hốt hoảng, toát mồ hôi.
  • Ho khạc bọt hồng.
  • Rối loạn tri giác.
  • Da xanh hay nổi bông do mạch máu ngoại biên bị co lại.
  • Đau ngực nếu kèm theo nhồi máu cơ tim cấp hay hở van động mạch chủ cấp tính do phình, bóc tách động mạch chủ.

Phù phổi cấp: Cơ chế gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 0

Khó thở là một trong những triệu chứng của phù phổi cấp

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù phổi cấp

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện thường sẽ được các bác sĩ chỉ định cho thực hiện một số xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, glucose máu, điện giải đồ, xét nghiệm ure, creatinine, xét nghiệm men gan AST, ALT, chụp X-quang phổi, đo điện tâm đồ (để chẩn đoán xem có nhồi máu cơ tim đi kèm hay không, có các rối loạn nhịp tim gây ra hay yếu tố thúc đẩy phù phổi), siêu âm tim (giúp xác định nguyên nhân nếu phù phổi cấp do tim, phát hiện rối loạn chức năng tâm thất phải, tâm thất trái, đánh giá áp lực thất phải, động mạch phổi, phát hiện ra những gợi ý của bệnh tim sẵn có như bệnh cơ tim phì đại, giãn nở, bệnh van tim,…).

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm khác như:

  • Men tim: Troponin I, troponin T thông thường hay siêu nhạy, giúp chẩn đoán nguyên nhân phù phổi do nhồi máu cơ tim.
  • Khí máu động mạch: Rất quan trọng để đánh giá tình trạng oxy, CO2 máu và thăng bằng kiềm toan của cơ thể.
  • BNP: Ngưỡng giới hạn xét nghiệm BNP giúp chẩn đoán suy tim.

Lưu ý, phù phổi cấp cần được chẩn đoán phân biệt với những bệnh sau:

  • Hen phế quản: Bệnh nhân đã có tiền căn hen trước đó, khò khè.
  • Viêm phổi: Sốt cao, lạnh run, ho có đờm xanh hoặc vàng.

Phương pháp điều trị phù phổi cấp

Để điều trị phù phổi cấp, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng thực tế của bệnh nhân để đưa ra phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ dựa trên các nguyên tắc:

  • Hỗ trợ chức năng hô hấp;
  • Giảm lượng máu về tim;
  • Sử dụng thuốc tăng sức co bóp cơ tim;
  • Tìm và điều trị nguyên nhân gây phù phổi cấp.

Điều trị ban đầu

Nếu SpO2 của bệnh nhân dưới 90%, bác sĩ sẽ chỉ định cung cấp oxy cho bệnh nhân để đảm bảo thông khí. Có thể cung cấp oxy qua những phương pháp như thở oxy qua sonde mũi, thở oxy qua mặt nạ, thông khí áp lực dương không xâm lấn hay cũng có thể thở máy qua nội khí quản. Tiếp đó lập đường truyền tĩnh mạch, monitoring theo dõi, theo dõi lượng nước tiểu, theo dõi liên tục các thông số sinh hiệu như mạch, huyết áp, SpO2, điện tim.

Tìm hiểu thêm: Các bệnh da liễu thường gặp ở nam giới và cách điều trị

Phù phổi cấp: Cơ chế gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 2
Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp thở oxy qua mặt nạ nếu SpO2 của bệnh nhân dưới 90%

Tư thế bệnh nhân phù phổi

Nghỉ ngơi tuyệt đối, ngồi 2 chân thòng xuống giường hoặc nằm đầu cao nhằm mục đích tăng thông khí và tăng ứ trệ máu ở tĩnh mạch nhằm làm giảm lượng máu về tim.

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc với mục tiêu làm giảm nhanh tình trạng xung huyết phổi, giảm triệu chứng và tưới máu mô. Các thuốc thường được chỉ định để điều trị là:

  • Lợi tiểu quai: Furosemide, Bumetanide, Torsemide có hiệu quả trong hầu hết các tình trạng phù phổi do tim, trong đó Furosemide là thường được sử dụng nhất.
  • Thuốc giãn mạch máu: Thuốc giãn mạch đường tĩnh mạch thường được sử dụng là nitrate với tác dụng chính là giãn các tĩnh mạch ngoại biên và Nitroprusside có tác dụng giãn cả động mạch và tĩnh mạch.
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim/vận mạch: Được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân có cung lượng tim thấp, tụt huyết áp, giảm tưới máu mô, cơ quan. Thuốc thường được sử dụng là Dobutamin, Amrinone, Milrinone, Levosimendan, Digitalis.
  • Các thuốc khác được sử dụng như: Thuốc kháng đông (thường dùng để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu), Morphine Sulfate (giảm đau, an thần cho bệnh nhân, sử dụng cho bệnh nhân lo lắng hoảng loạn hay đau nhiều).

Điều trị nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy

Cần tìm và điều trị các nguyên nhân dẫn đến phù phổi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, việc điều trị một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phù phổi cấp cũng đóng vai trò quan trọng. Người bệnh cần được điều trị những tình trạng dưới đây nếu có:

  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ;
  • Loạn nhịp;
  • Nhiễm trùng;
  • Thiếu máu;
  • Toan hóa máu;
  • Cường giáp;
  • Suy thận;
  • Ngưng các thuốc làm giảm co bóp cơ tim hay giữ muối nước.

Phù phổi cấp: Cơ chế gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 3

>>>>>Xem thêm: Đông trùng hạ thảo giá bao nhiêu 1kg? Có mấy loại đông trùng hạ thảo?

Bệnh nhân phù phổi cấp cần ngưng các thuốc làm giảm co bóp cơ tim hay giữ muối nước

Việc phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời bệnh nhân phù phổi cấp là hết sức quan trọng để tránh biến chứng hay tử vong. Đây không phải là một bệnh mà là một kết quả của nhiều bệnh lý tim phổi khác không được điều trị đúng cách hay kiểm soát tốt. Vì vậy nếu bạn hoặc người nhà đang không may mắc các bệnh lý mãn tính cần tuân thủ điều trị theo bác sĩ.

Xem thêm: Viêm phổi cấp có nguy hiểm không?

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *