Ung thư thực quản giai đoạn 1 được xem là tình trạng có tiên lượng điều trị khá khả quan. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người và giai đoạn của bệnh. Cùng tìm hiểu bài viết sau để nắm rõ hơn về căn bệnh này nhé!
Bạn đang đọc: Thế nào là ung thư thực quản giai đoạn 1? Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Nhắc đến ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng, nhiều người không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hoang mang. Vậy thế nào là ung thư thực quản giai đoạn 1? Có những cách thức nào để chẩn đoán loại ung thư này? Phương pháp điều trị ra sao? Mời bạn cùng xem các thông tin dưới đây.
Contents
Thế nào là ung thư thực quản giai đoạn 1?
Ung thư thực quản giai đoạn 1 hay còn được biết đến là ung thư thực quản giai đoạn đầu là tình trạng các tế bào ung thư chỉ nằm tại lớp trên cùng thành thực quản hoặc có thể xâm lấn vào bên dưới của lớp niêm mạc bề mặt thực quản nhưng chưa di chuyển vào thành cơ thực quản. Khối u ở giai đoạn này cũng chưa lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc những vị trí xa hơn của cơ thể và có thể được điều trị dễ dàng hơn.
Ung thư thực quản được chia thành hai loại bao gồm ung thư tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến.
- Ung thư tế bào vảy: Đây là loại ung thư được phát triển từ tế bào vảy, chúng tạo thành lớp lót phía bên trong của thực quản.
- Ung thư biểu mô tuyến: Đây là loại ung thư được phát triển trong những tế bào tuyến. Tế bào này có vai trò tạo ra chất nhầy niêm mạc cho thực quản.
Ung thư thực quản giai đoạn sớm hay ung thư thực quản ở giai đoạn 1 được chia thành giai đoạn IA và IB. Sự phân chia này tùy thuộc vào vị trí mà khối u đã di căn đến cùng với mức độ lan rộng của chúng.
- Giai đoạn IA: Ung thư thực quản được xếp vào giai đoạn 1A khi các tế bào ung thư đã di chuyển sang lớp đệm của niêm mạc hoặc lớp cơ mỏng ở thành thực quản. Tuy nhiên, chúng chưa di chuyển đến bất kỳ hạch bạch huyết cũng như bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể.
- Giai đoạn IB: Các tế bào ung thư ở giai đoạn IB đã di chuyển rộng đến lớp dưới của niêm mạc thành thực quản hoặc đã di chuyển đến lớp cơ dày thành thực quản. Tuy nhiên, chúng cũng chưa lan sang hạch bạch huyết và những cơ quan khác.
Dấu hiệu giai đoạn 1 của ung thư thực quản
Ở giai đoạn 1 của ung thư thực quản, các dấu hiệu thường khó phân biệt và rất mơ hồ. Người bệnh có thể sẽ không nhận thấy bất kỳ các triệu chứng bất thường nào. Chỉ khi khám sức khỏe định kỳ mới tình cờ phát hiện được. Vì thế mà hầu như các trường hợp ung thư thực quản đều phát hiện ở giai đoạn muộn, làm cho việc điều trị và tiên lượng bệnh kém khả quan.
Triệu chứng của ung thư thực quản ở giai đoạn 1 xuất hiện với tần suất thấp, không thường xuyên và ở mức độ nhẹ như sau:
- Cảm giác nuốt vướng hoặc khó nuốt, nuốt bị nghẹn với các thực phẩm ở dạng đặc.
- Cân nặng của người bệnh có thể bị giảm trong một khoảng thời gian ngắn dù chế độ sinh hoạt vẫn bình thường và không áp dụng bất kỳ chế độ giảm cân nào.
- Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng tương tự như trào ngược dạ dày thực quản bao gồm ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, nóng rát ở giữa ngực sau khi ăn,…
Các đối tượng có yếu tố nguy cơ như người hay hút thuốc lá, người uống nhiều rượu bia, người mắc bệnh Barrett thực quản hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp, xử lý.
Tìm hiểu thêm: Những tác hại của ngộ độc whey có thể bạn chưa biết
Chẩn đoán bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn 1
Để chẩn đoán bệnh ung thư thực quản, các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
- Nội soi tiêu hóa trên: Khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ ung thư thực quản như nuốt vướng, nuốt nghẹn,… bác sĩ có thể chỉ định nội soi tiêu hóa trên bao gồm nội soi dạ dày, tá tràng và thực quản. Bên cạnh đó, việc nội soi còn giúp phát hiện ra vị trí khối u, xác định mức độ hẹp của lòng thực quản, tình trạng xuất huyết hoặc loét trên bề mặt của khối u. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp việc sinh thiết khối u trong lúc đang thực hiện nội soi để tiến hành giải phẫu bệnh cho ra kết quả bản chất khối u chính xác nhất.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Đây là phương pháp thường được sử dụng phổ biến giúp đánh giá và xác định giai đoạn của ung thư thực quản. Phương pháp này còn có thể phát hiện được tình trạng khối u di căn trong cơ thể.
- Xét nghiệm khác: Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm khác như xét nghiệm xạ hình xương khi nghi ngờ ung thư di căn xương, nội soi lồng ngực, nội soi ổ bụng, chụp MRI não khi nghi ngờ khối u di căn não, chụp PET/CT,…
Điều trị ung thư thực quản ở giai đoạn 1
Hiện nay, điều trị ung thư nói chung đang đề cao vai trò của việc phối hợp các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ, xạ trị, hóa trị để nâng cao hiệu quả trong điều trị. Phương pháp để điều trị ung thư thực quản giai đoạn 1 gồm:
- Cắt lớp dưới niêm mạc thực quản (ESD) hoặc nội soi cắt lớp niêm mạc thực quản (EMR): Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này trong trường hợp ung thư thực quản phát hiện ở giai đoạn rất sớm hoặc tổn thương tiền ung thư.
- Phẫu thuật: Đây được xem là giải pháp điều trị chính trong trường hợp ung thư thực quản ở giai đoạn 1. Người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc cắt vỏ toàn bộ thực quản. Đây là loại phẫu thuật lớn hay còn gọi là đại phẫu, bởi chúng liên quan đến ba vùng gồm cổ, ngực và bụng. Thông thường, phẫu thuật này sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tiếng.
- Xạ trị: Phương pháp này thường được các bác sĩ chỉ định đối với trường hợp người bệnh không có đủ sức khỏe để trải qua ca phẫu thuật hoặc hóa trị và xạ trị đồng thời.
- Xạ trị kết hợp với hóa trị: Đây được xem là phương pháp điều trị triệt để được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp người bệnh có đầy đủ sức khỏe để trải qua ca đại phẫu cắt bỏ thực quản. Việc kết hợp hóa trị với xạ trị giúp tăng khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời ức chế sự phát triển của chúng.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết khi niềng răng mắc cài tự buộc
Y học ngày càng phát triển, bệnh ung thư không còn là nỗi ám ảnh quá lớn trong chúng ta. Nhìn chung, ung thư thực quản giai đoạn 1 không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà hãy có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể