Ruột là một trong những cơ quan không thể thiếu của cơ thể con người với chức năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Nếu ruột mắc phải những bệnh lý sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, do đó việc nhận biết các dấu hiệu ruột có vấn đề là vô cùng quan trọng.
Bạn đang đọc: Những dấu hiệu ruột có vấn đề mà bạn cần lưu ý
Nếu bạn đang quan tâm các thông tin liên quan đến câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu ruột có vấn đề?” thì bài viết dưới đây sẽ hỗ trợ bạn giải đáp thắc mắc của bạn.
Tổng quan về ruột
Cấu tạo
Ruột là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, từ phần dưới dạ dày đến hậu môn, bao gồm ruột non (tiểu tràng) và ruột già (đại tràng). Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về chức năng và cấu tạo của hai phần này:
Ruột non nối tiếp dạ dày và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, gồm ba phần chính: Tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
- Tá tràng: Phần ngắn nhất của ruột non, thực hiện việc phân giải thức ăn nhờ dịch tiêu hóa được tiết từ túi mật, gan và tuyến tụy.
- Hỗng tràng: Đoạn giữa của ruột non, thực hiện chức năng vận chuyển, tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn.
- Hồi tràng: Phần cuối cùng và dài nhất của ruột non, thực hiện chức năng hấp thu các chất dinh dưỡng còn sót lại và vận chuyển phần còn lại của thức ăn đã tiêu hóa vào ruột già.
Ruột già hay còn gọi là đại tràng, là nơi hấp thụ nước và loại bỏ chất cặn bã từ thức ăn đã tiêu hóa. Cấu trúc bao gồm: Manh tràng, đại tràng và trực tràng.
- Manh tràng: Phần đầu tiên của ruột già, thực hiện chức năng nhận chất lỏng đã tiêu hóa từ hồi tràng.
- Đại tràng: Phần chính của ruột già, hấp thụ nước và muối từ thức ăn đã tiêu hóa.
- Trực tràng và hậu môn: Phần cuối cùng của hệ tiêu hóa, chứa chất thải và duy trì trạng thái giãn rộng cho đến khi đi đại tiện.
Chức năng
Ruột non là nơi tiêu hóa và hấp thu chính của cơ thể với diện tích tiếp xúc lớn, cùng cấu trúc đặc biệt của niêm mạc ruột. Các chức năng chính bao gồm:
- Tiêu hóa thức ăn: Trong ruột non, thức ăn được nhào trộn với các dịch tiêu hóa như dịch tụy, dịch mật và dịch ruột kết hợp với các vận động của thành ruột để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Hấp thu chất dinh dưỡng: Dưới tác động của các men tiêu hóa, protein, lipid và glucid được tiêu hóa thành các sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được như các acid amin, monosaccharide, acid béo và glycerol. Các chất dinh dưỡng này được hấp thu qua thành ruột và vận chuyển đến gan, tim qua đường tĩnh mạch.
Ruột già không chỉ là nơi hấp thụ muối và nước từ thức ăn đã tiêu hóa mà còn có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất thải và tổng hợp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Hấp thu muối và nước: Ruột già hấp thụ nước và muối từ thức ăn đã tiêu hóa, giữ lại khoảng 100 – 200ml nước trong quá trình tiêu hóa.
- Tổng hợp vitamin và dưỡng chất: Trong ruột già, các loại vi khuẩn như Escherichia coli, Enterobacter aerogenes và Bacteroides fragilis sẽ tham gia tổng hợp các dưỡng chất như vitamin B1, B6, vitamin K và axit folic.
- Bài tiết: Ruột già có cơ chế tự động bài tiết phân, được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương và vỏ não. Hậu môn là phần cuối cùng của đường tiêu hóa, nơi phân được tạo hình và bài tiết ra ngoài cơ thể thông qua quá trình đi đại tiện. Cơ thắt và cơ vân tại đây chịu sự điều khiển của hệ thần kinh, giúp quá trình này diễn ra một cách hiệu quả và tự nhiên.
Thế nào là dấu hiệu ruột có vấn đề?
Đường ruột đóng vai trò quan trọng trong sự cân bằng và duy trì sức khỏe của cơ thể. Nếu bạn gặp phải một số dấu hiệu dưới đây thì có thể đường ruột đang vấn đề và cần được chú ý, điều trị kịp thời.
Thường xuyên mắc phải các bệnh lý
Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch liên kết mật thiết với nhau. Vi khuẩn có lợi trong đường ruột không chỉ bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch. Việc bị bệnh thường xuyên có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và cần bổ sung vi khuẩn có lợi để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Đầy hơi, bụng chướng
Rối loạn dạ dày bao gồm đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ chua có thể là dấu hiệu ruột có vấn đề. Sự mất cân bằng vi sinh đường ruột là nguyên nhân gây ra các vấn đề này, khiến cho quá trình tiêu thụ thức ăn và loại bỏ chất thải không diễn ra một cách thuận lợi.
Thay đổi trọng lượng
Sự biến đổi trọng lượng mà không có sự thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc hoạt động thể chất được xem là dấu hiệu của một đường ruột không khỏe. Sự mất cân bằng vi sinh đường ruột có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, khả năng điều chỉnh mức đường trong máu và lưu trữ chất béo trong cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về tình trạng 1 túi thai có 2 phôi thai
Kích ứng da
Ruột tổn thương có thể liên quan đến các vấn đề về da như chàm. Khi viêm ruột xảy ra, có thể dẫn đến tăng sự tiết protein ra ngoài, gây ra các vấn đề về da như kích ứng.
Rối loạn giấc ngủ
Các vấn đề tại ruột có thể góp phần gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, dẫn đến trạng thái mệt mỏi kéo dài. Hormon như serotonin, có ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất chủ yếu trong ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Chăm sóc sức khỏe đường ruột
Thay đổi chế độ ăn uống
Giảm tiêu thụ thức ăn chế biến, đường và chất béo cũng như tăng cường ăn thực phẩm từ nguồn thực vật, protein nạc có thể cải thiện sức khỏe đường ruột. Chế độ ăn giàu chất xơ được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
Thay đổi thói quen ăn uống
Ăn chậm và nhai thức ăn kỹ giúp kích thích quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó giảm các triệu chứng khó chịu khi gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, giúp duy trì sức khỏe của đường ruột.
>>>>>Xem thêm: Làm sao để không bị lây thủy đậu?
Bổ sung prebiotic hoặc probiotic
Prebiotics được biết đến như là “thức ăn” cho vi khuẩn có lợi trong ruột và probiotics là vi khuẩn sống có lợi. Do đó, việc cung cấp prebiotic hoặc probiotic vào chế độ ăn có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, những người có triệu chứng viêm ruột hoặc đường ruột yếu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Giảm căng thẳng và lo âu
Mức độ stress cao không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn gây tổn thương cho sức khỏe đường ruột. Thực hiện các hoạt động như thiền, yoga, đi dạo, tận hưởng thời gian bên bạn bè, gia đình, sử dụng tinh dầu, hạn chế cafein có thể giúp giảm căng thẳng và bảo vệ đường ruột.
Bài viết đã cung cấp các thông tin xoay quanh câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu ruột có vấn đề?”. Qua bài viết, chúng ta có thể nhìn nhận được tầm quan trọng của ruột từ các thông tin tổng quan về ruột và đặc biệt là nhận biết được các dấu hiệu ruột có vấn đề. Do đó, nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể liên quan đến đường ruột thì hãy tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ để bảo vệ sức khỏe chính mình.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể