Trên toàn cầu, tiêu chảy truyền nhiễm ở trẻ em dưới 5 tuổi đa phần là do nhiễm Rotavirus. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các nguyên nhân, đặc điểm virus Rota gây tiêu chảy và phương pháp điều trị Rotavirus nhé!
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về đặc điểm virus Rota gây tiêu chảy nặng ở người
Các đợt tiêu chảy truyền nhiễm cấp tính vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước kém và đang phát triển. Nguyên nhân phổ biến nhất là do Rotavirus – gây tiêu chảy nặng ở trẻ. Hãy cùng Kenshin tìm hiểu về đặc điểm virus Rota gây tiêu chảy để biết tại sao nó có thể gây bệnh nặng nhé!
Contents
Nguồn gốc của tiêu chảy
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Tiêu chảy là cấp tính nếu bệnh bắt đầu trước đó chưa đầy 14 ngày và dai dẳng nếu đợt bệnh kéo dài 14 ngày trở lên. Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy nhưng có thể chia thành 2 loại chính.
Tiêu chảy không truyền nhiễm
Tiêu chảy không truyền nhiễm bao gồm do ngộ độc chất độc trong thức ăn, dị ứng thực phẩm (lactose, glucose-galactose, fructose trong sữa, mật ong, trái cây,…), tác dụng phụ của thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, thuốc hóa trị, một số thuốc tiểu đường,…), tiêu chảy do bệnh lý khác (hội chứng ruột kích thích, các bệnh liên quan đến cấu trúc đại tràng).
Tiêu chảy do truyền nhiễm
Tiêu chảy truyền nhiễm thường phổ biến ở các nước đang phát triển hơn là các nước phát triển. Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp như virus (Rotavirus, Astrovirus, Calicivirus, Adenovirus), vi khuẩn (Escherichia coli, Shigella, Yersinia, Salmonella, Campylobacter và Vibrio cholerae), vi nấm và ký sinh trùng. Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng và tử vong do tiêu chảy ở trẻ em.
Đặc điểm virus Rota gây tiêu chảy
Cấu trúc của Rotavirus
Rotavirus thuộc họ Reoviridae là một quần thể lớn đa dạng về mặt di truyền, có kích thước khoảng 70 – 100 nm. Nó được cấu tạo từ ba lớp protein đồng tâm bao quanh vật liệu di truyền là mười một đoạn RNA sợi đôi, mỗi đoạn mã hóa cho một protein ngoại trừ đoạn gen thứ 11 mã hóa 2 protein. Các protein được mã hóa sẽ có những chức năng riêng, được chia thành 2 loại là sáu protein cấu trúc (VP1, VP2, VP3, VP4, VP6, VP7) và sáu protein phi cấu trúc (NSP1, NSP2, NSP3, NSP4, NSP5, NSP6). Các protein cấu trúc có vai trò trong việc quyết định đặc tính kháng nguyên chính của nhóm, phân nhóm và kiểu huyết thanh Rotavirus. Trong khi đó, các protein phi cấu trúc có vai trò hỗ trợ virus trong việc sao chép vật liệu di truyền, lắp ráp hạt, điều hòa các phản ứng miễn dịch của vật chủ và kích thích biểu hiện gen virus. Dựa trên các kháng nguyên đặc hiệu của VP6, Rotavirus có thể được phân loại thành sáu nhóm từ A đến G. Nhóm A đến C lây nhiễm ở người, các nhóm còn lại được tìm thấy ở động vật.
Tìm hiểu thêm: Phòng chống ung thư phổi hiệu quả bằng những loại thực phẩm sau
Con đường lây nhiễm virus Rota
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng. Các yếu tố môi trường như nguồn nước trồng trọt hay sinh hoạt, thức ăn bị ô nhiễm, bàn tay và đồ vật góp phần tạo thuận lợi cho việc lây nhiễm giữa người sang người. Ngoài ra, con ruồi cũng là một yếu tố khuếch tán tự nhiên virus và các mầm bệnh đường ruột khác như kiết lỵ, thương hàn, tả và giun sán. Trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi vẫn chưa có ý thức rõ ràng về vệ sinh cá nhân hay chưa có thể làm chủ trong hành vi nên là đối tượng dễ nhiễm virus nhất.
Bên cạnh đó, Rotavirus là một sinh vật rất ổn định, nó có thể tồn lâu trong môi trường hàng tuần hoặc hàng tháng mà không mất khả năng lây nhiễm nếu không được khử trùng. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ bề mặt nào như đồ chơi, vòi nước, khu vực thay tã, khu vực rửa tay,…
Triệu chứng khi nhiễm Rotavirus
Ở các nước ôn đới, bệnh bùng phát theo mùa với tỷ lệ mắc cao nhất vào mùa đông/xuân. Còn ở Việt Nam thì bệnh có xu hướng diễn ra quanh năm. Bệnh tiêu chảy cấp tính do Rotavirus được báo hiệu bởi tình trạng tiêu chảy cấp trong 2 – 3 ngày, sốt, nôn mửa và chán ăn kèm theo tình trạng mất nước với các biểu hiện bao gồm tiểu ít, khô miệng, buồn ngủ hoặc quấy khóc bất thường thường gặp ở trẻ bị mất nước.
Tiêu chảy nhiều gây ra mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng (đặc biệt là hạ kali máu) là hai hậu quả đe dọa tính mạng của bệnh tiêu chảy nặng. Bên cạnh đó, một số trẻ có thể bị viêm dạ dày ruột cấp, nghiêm trọng hơn là hôn mê và tử vong. Hầu hết các trường hợp tử vong này xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tiêu chảy do Rotavirus có thuốc chữa không?
Hiện nay chưa có thuốc điều trị Rotavirus, khi mắc bệnh, bù nước là phương pháp sử dụng chủ yếu cho bệnh nhân. Ngoài ra, bổ sung probiotic cũng được khuyến cáo sử dụng để hỗ trợ điều trị.
Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị đưa vacxin Rotavirus vào chương trình tiêm chủng quốc gia của tất cả các quốc gia, đặc biệt chú trọng đến các nước đang phát triển. Cho nên tỉ lệ mắc tiêu chảy do Rota cũng giảm đáng kể. Có 2 loại vacxin phòng ngừa Rotavirus phổ biến hiện nay là Rotarix của GlaxoSmithKline sản xuất và RotaTeq của Merck sản xuất. Cả 2 loại đều cho hiệu quả bảo vệ từ 70% đến hơn 90%, giảm đáng kể tỷ lệ viêm dạ dày ruột và tử vong liên quan đến Rotavirus.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân phụ nữ thích ‘yêu’ hơn vào ngày rụng trứng
Rotavirus chủ yếu lây nhiễm vào tế bào ruột và gây tiêu chảy kèm mất nước, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị chính cho bệnh này, chỉ có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vacxin và vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Xem thêm:
Tiêu chảy do virus Rota có lây không?
Tại sao uống Rota bị tiêu chảy? Cách phòng ngừa bệnh
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể